Cây số 12 đường QA6 ở Tây Trường Sơn còn có tên gọi là Trọng điểm đèo 12. Nơi đây có một đoạn đường đèo ngoằn nghoèo, chênh vênh và hiểm trở. Chiều dài của đoạn đường đèo chưa đầy 2km; vậy mà trải qua gàn 2 mùa khô đoạn đường đèo này đã phải oằn mình hứng chịu rất nhiều bom đạn của giặc Mỹ.

Ban ngày ở vùng đèo 12 ít khi vắng tiếng máy bay L19, OV10 chỉ điểm cho máy bay phản lực bổ nhào ném bom xuống đèo rất nhiều lần; máy bay AĐ6, B56K thường xuyên bay lượn và bắn rốc két xuống đèo bất kỳ lúc nào.

Một đêm vào trung tuần tháng 3-1969, Tiểu đội tôi nhận lệnh đến đèo 12 cùng với Tiểu đội 7 khắc phục hậu quả của trận bom lúc 3 giờ chiều, một quả bom trúng đường gây ách tắc, xe không qua được. Nhá nhem tối, Tiểu đội tôi đã có mặt ở đèo; trước tiên chúng tôi sửa lại những căn hầm ở gần đó để sử dụng, tiếp đến là xả đất từ ta luy dương kéo xuống đường để lấp hố bom.

Ở đèo 12 ban đêm máy bay không đánh bổ nhào mà chỉ ném bom tọa độ, cứ 15 phút lại có một loạt bom rơi xuống khu vực đèo. Một khi máy bay ném bom đã thành quy luật thì các chiến sĩ công binh chúng tôi cũng dễ dàng đối phó. Đồng chí y tá của đơn vị ngồi ở trong hầm vừa thường trực để cứu thương, vừa xem giờ để gõ kẻng cầm canh. Chiếc cuốc chim được tháo bỏ cán treo lên làm kẻng, con dao tông cũ làm dùi kẻng. Các chiến sĩ công binh làm việc ngoài mặt đường, được 12 phút, đồng chí y tá lại gõ kẻng 9 tiếng theo nhịp 3 tiếng một báo động để các chiến sĩ vào hầm chờ bom nổ. Khi bom nổ xong, đồng chí y tá lại gõ một hồi kẻng báo yên; các chiến sĩ lại từ trong hầm ra ngoài làm việc. Cứ lặp đi lặp lại mãi như thế trong quá trình làm nhiệm vụ.

Các chiến sĩ làm việc trong đêm thiếu ánh sáng, lại làm dưới tầm bom đạn địch nên mọi người phải xác định cho mình quyết tâm: “Can đảm, cố gắng, an toàn, năng suất cao, nhanh chóng thông đường”.

Với tinh thần quyết tâm ấy, chỉ trong vòng 2 giờ, hai tiểu đội chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Hai phát súng bắn lên trời (tín hiệu thông đường) các chiến sĩ công binh vẫn ở tại vị trí để chờ những chiếc xe qua. Gần 30 phút sau, chiếc xe dẫn đầu trong ánh đèn gầm mờ mờ đã tiếp cận, tiếng chào hỏi râm ran thay cho niềm vui, niềm tự hào của các chiến sĩ; chiếc xe đã đi qua đoạn đường mới sửa an toàn. Việc điều hành cho xe qua đèo do tổ chốt ba-ri-e ở trạm trước đó, để xe và người tránh được những loại bom tọa độ là kinh nghiệm thực tiễn của các chiến sĩ công binh Trường Sơn.

Đã đến lúc tiểu đội tôi thu dọn dụng cụ, mang theo vũ khí, tạm biệt Tiểu đội 7 để về hầm trực chiến.

Chỉ còn cách hầm trực chiến vài  trăm mét, chúng tôi gặp một chiến xe bị chết máy đứng lù lù ở giữa đường. Đồng chí lái xe loay hoay sửa mãi mà xe vẫn không nổ máy được. Cả tiểu đội tôi xúm vào đấy chiếc xe nhưng cũng vô  hiệu. Mãi tới khi ở phái sau có 1 chiếc xe chạy đến, chúng tôi đề nghị đồng chí lái xe dùng tời kéo chiếc xe lùi về phía sau; có sự phụ đẩy của cả tiểu đội tôi, một lúc sau chiếc xe chết máy đã được dẹp sang bên đường, dành lại lối đi cho những chuyến xe sau vượt qua.

Đồng chí lái chiếc xe bị chét máy nhờ chúng tôi ngụy trang chiếc xe để sáng ngày mai mới có điều kiện sửa chữa. Cả tiểu đội tôi bàn tính, ngụy  trang bằng gì, nếu chặt lá cây đắp vào xe có khi lại tạo cho máy bay nhận ra chiếc xe rõ hơn. Vì ở đây đa số màu đen của cây, màu đỏ của đất, bởi vậy phương án chặt lá cây bị bãi bó. Có ý kiến đề nghị: “Hay là ta lấy dù pháo sáng trùm lên xe”. Ý kiến này nghe rất lạ, nửa đùa nửa thực. Lúc đầu nghe ra rất vô lý, về sau lại thấy có lý. Ban ngày quan sát thấy khu vực chiếc xe bị chết máy có rất nhiều dù pháo sáng, cái cao, cái thấp nằm rải rác. Nếu trùm một chiếc dù lên chiếc xe ắt giặc lái Mỹ lại nghĩ là chiếc dù bình thường. Nhưng bây giờ lấy dù ở đâu? Trong lúc bế tắc, tôi lên tiếng: Cách đây 2 ngày, tôi có lấy một cái dù pháo sáng hiện đang để ở hầm trực chiến, để tôi về lấy mang ra đây.

Cả tiểu đội đồng ý. Gần 20 phút sau, tôi đã mang dù đến và chúng tôi trùm dù lên chiếc xe, buộc dây chằng ra xung quanh trông như một chiếc lều.

Ngày hôm sau, có rất nhiều lượt máy bay bay qua mà không có một chiếc nào phát hiện được chiếc xe đang đứng đó. Buổi chiều, tôi và đồng chí lái xe ra sớm hơn để sửa xe. Khi có máy bay, hai chúng tôi vẫn thản nhiên ngồi trong chiếc dù. Đồng chí lái xe đã tìm ra nguyên nhân hỏng hóc và đã sửa chiếc xe nổ máy.

Chập tối, tôi thu lại chiếc dù, đồng chí lái xe lái chiếc xe hòa vào cùng đoàn xe chạy vào tuyến  trong. Khi qua hầm trực chiến, cả tiểu đội tôi ai cũng chúc đi an toàn và hẹn ngày gặp lại.

Mấy tháng sau từ chiếc dù pháo sáng ấy tôi đã làm thành một tấm chăn. Từ đó trở đi tấm chăn dù pháo sáng luôn bên cạnh tôi và đã cùng tôi đi khắp chiến trường.

Mãi đến sau ngày miền Nam được giải phóng, tối mới mang tấm chăn dù pháo sáng về nhà. Hiện nay tôi vẫn còn cất giữ tấm chăn dù ấy và bề dày thời gian của tấm chăn dù pháo sáng của tôi đã hơn nửa thế kỷ.

Bùi Đức Ba