Ngày 31 tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát thực tế chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại cơn bão số 1 tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi khảo sát thực tế và nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến, công tác chỉ đạo đối phó và tình hình thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:

  1. Đánh giá chung:
    Đây là cơn bão có diễn biến bất thường, khi đổ bộ vào bờ biển và đất liền nước ta bão không giảm cấp mà tiếp tục tăng cấp, di chuyển rất chậm nên thời gian duy trì gió mạnh kéo dài tại các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống lưới điện, nhà cửa và cây xanh.
    Tuy nhiên, trước sự chủ động, triển khai quyết liệt của các cấp từ Trung ương tới địa phương nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
    Ngay sau bão, các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tập trung mạnh mẽ tiêu úng cho 216.194 ha lúa bị ngập, song đến nay khoảng 11.000 ha lúa vẫn còn đang bị ngập sâu.
    Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao công tác triển khai chỉ đạo kịp thời của các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc trong công tác chỉ đạo ứng phó với bão cũng như khắc phục hậu quả, đặc biệt tinh thần trách nhiệm rất cao của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời điểm chuyển giao nhiệm vụ.
  2. Nhiệm vụ thời gian tới
  • Để đảm bảo sản xuất, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai phương án gieo trồng bổ sung đối với diện tích lúa bị thiệt hại do bão số 1; tập trung khắc phục diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khoảng 2.200 ha diện tích nuôi ngao của tỉnh Thái Bình, Nam Định; hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và người dân các biện pháp nhằm phục hồi các diện tích lúa bị ảnh hưởng ngập úng cũng như bổ sung diện tích lúa bị mất trắng. Tinh thần là không được để đất trống không gieo, hoặc cấy vụ này.
  • Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực, khắc phục nhanh hệ thống lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt cho người dân.
  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan khẩn trương tổng hợp, đề xuất xuất cấp một số giống rau màu cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân.
  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan có liên quan sớm tổng kết, rút kinh nghiệm về cơn bão số 1, đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được trong công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, chỉ đạo, ứng phó để kịp thời khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao năng lực dự báo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, sát với thực tế nhất là trong những tình huống thiên tai diễn biến bất thường, phức tạp.
  • Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, đưa tin bão kịp thời để nhân dân cả nước theo dõi thường xuyên.
  • Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các khu vực bị ngập úng, nhất là tại các vùng ngập sâu sau bão, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây con phù hợp với điều kiện của từng vùng đảm bảo năng suất ổn định, chất lượng cao và có khả năng chống chịu thiên tai tốt hơn.
  • Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 1, khẩn trương tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường, đặc biệt là thành phố Nam Định phải tập trung xong trước ngày 01 tháng 8 năm 2016.
  • Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cần tính toán các giải pháp củng cố hệ sinh thái ven biển, phục hồi rừng ngập mặn, có các phương án cụ thể để phòng chống thiên tai lâu dài.
  • Các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão Nida, chủ động triển khai các phương án ứng phó có hiệu quả.
  1. Đối với một số kiến nghị
  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra. Trên cơ sở đó có tính toán đảm bảo số liệu chặt chẽ, cụ thể để đảm bảo công tác hỗ trợ có hiệu quả và sớm đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
  • Đối với đoạn kè Quy Phú tương ứng từ K177+900 - K179+500 đê hữu sông Hồng thuộc huyện Nam Trực. Đây là đoạn xung yếu đối diện với thành phố: giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định khẩn trương lập phương án xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn cho tuyến đê; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra phương án thiết kế, dự toán để đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

PV