Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin (bên trái) và người đồng cấp Trung Quốc - Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La.

Đối thoại Shangri-La đã được nối lại tại Singapore sau hai năm bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19 với thành phần tham dự đông đảo nhất từ trước tới nay bởi tầm quan trọng của diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực này. Bị phủ bóng bởi chiến sự ở Ukraine, nhưng tâm điểm của Shangri-La vẫn là an ninh ở châu Á và mọi sự chú ý đều được dồn về động thái của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phượng Hòa khi lập trường của hai nước lớn được thể hiện rõ ràng hơn trong cuộc hội ngộ tại Shangri-La lần này.

Có hai diễn biến tại Shangri-La lần thứ 19 được tổ chức từ ngày 10 đến 12-6 tại Singpore bên cạnh bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio. Thứ nhất là cuộc hội đàm giữa ông Ngụy Phượng Hòa và ông Lloyd Austin hôm 10-6, cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Thứ hai là bài phát biểu của hai ông tại phiên toàn thể của Shangri-La lần thứ 19.

Tất nhiên, dù có cơ hội nào đề bày tỏ lập trường thì các nước lớn cũng sẽ không ngại ngần nói ra quan điểm của mình, nhất là về vấn đề an ninh. Tuy vậy, tại cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, giọng điệu của quan chức hai nước có vẻ mềm hơn. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Đại tá Ngô Khiêm - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo sau cuộc họp rằng: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định với người đồng cấp Mỹ rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Trung Quốc; nhấn mạnh rằng nếu kẻ nào dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không ngần ngại chiến đấu và sẽ kiên quyết nghiền nát bất kỳ âm mưu “độc lập nào của Đài Loan” bằng mọi giá để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trong hàng loạt các vấn đề của quan hệ song phương Mỹ - Trung, vấn đề Đài Loan cũng như những diễn biến ở Biển Đông luôn là chủ đề nóng bỏng nhất, ngay cả khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước lên đến đỉnh điểm. Về Đài Loan, Mỹ vẫn không thay đổi lập trường của mình. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Austin nhắc lại với Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa rằng Mỹ vẫn cam kết với chính sách “Một Trung Quốc” lâu đời của mình, được định hướng bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Tuyên bố chung Mỹ-Trung và Sáu Đảm bảo. Tuy nhiên, ông Austin cũng tái khẳng định phản đối “những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng”.

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện sự đồng thuận quan trọng giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ quân sự hai nước. Cuộc họp được đánh giá là một cuộc giao thiệp chiến lược thẳng thắn, tích cực và mang tính xây dựng khi cả hai bên nhất trí rằng quân đội hai nước cần thận trọng thực hiện những đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã đạt được, duy trì liên lạc thường xuyên đồng thời quản lý rủi ro và khủng hoảng.

Khi quan ngại về Đài Loan sẽ trở thành Ukraine ở khu vực nếu Trung Quốc động binh được lập luận theo logic, Trung Quốc dường như đã phản ứng thái quá khi khoe khoang sức mạnh quân sự của mình tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn để tăng cường niềm tin. Về bản chất, các mối quan ngại về an ninh khu vực còn được đề cập đến rộng hơn rất nhiều ở đối thoại lần này chứ không chỉ riêng vấn đề Đài Loan. Trong phát biểu đề dẫn của mình, Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio cho rằng: Bối cảnh an ninh “Ngày một nghiêm trọng tại châu Á”. Trong khi đó, cũng theo ông Kishida Fumio: “Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà mọi bên liên quan đã thống nhất sau nhiều năm đối thoại và cùng nỗ lực, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, đều không được tuân thủ”.

Hội ngộ Shangri-La lần thứ 19 thực sự trở thành nơi các nước lớn khẳng định những định hướng an ninh của mình. Tuy có “cao giọng” nhưng việc những người đứng đầu bộ máy quân sự các nước có cơ hội gặp nhau để đàm đạo, bày tỏ lập trường, cũng là một cơ hội tốt để châu Á tránh được những xung đột tiềm tàng.

Thanh Huyền