Mấy ngày nay, các phương tiện truyền thông đưa tràn ngập tin Hà Nội thí điểm phân làn cứng đường Nguyễn Trãi, đoạn từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân, dài 1.5km.

Mục đích của thí điểm là để trả lời câu hỏi tại sao con đường hai chiều này “to” nhất thành phố, mà lại ách tắc nhất thành phố và ngày một nghiêm trọng. Nhất là vào giờ cao điểm, buổi sáng ách tắc chiều vào trung tâm thành phố. Buổi chiều, ngược lại?

Với “người trần mắt thịt” nhìn, thì tưởng nguyên nhân do xung đột giữa các phương tiện giao thông trên đường. Nói một cách dễ hiểu là các loại xe đi lẫn lộn sang làn đường của nhau, dẫn đến ách tắc, ùn ứ.

Nhưng với con mắt của nhà quản lý, nhất là “mắt” của những nhà chuyên môn sâu về quản lý đô thị  thì người ta biết “tỏng tòng tong”, ách tắc là do hậu quả giữa “cung” và “cầu”.

Nghĩa là phương tiện giao thông thì ngày một tăng, nhưng đường dành cho giao thông thì không tăng, thậm chí giảm do bị lấn chiếm. Giống như bệnh nhân nhập viện quá số giường viện hiện có, thì hoặc là phải nằm đất, hoặc là phải nằm ghép đôi, thậm chí ghép ba…

Còn ùn tắc “nóng” ở đường Nguyễn Trãi vì hai nguyên nhân. Một là mấy năm nay đây là con đường chính “đón” người từ mấy huyện ngoại thành (Hà Tây cũ) mới sáp nhập vào nội thành làm việc.

Hai là, thành phố có mỗi đoạn đường đó rộng, còn hầu hết vẫn hẹp so với yêu cầu tối thiểu cần có, nên khi ùn tắc phương tiện ùn ứ ở những chỗ đường rộng (quy luật “bình thông nhau” và “nước chảy chỗ trũng”).

Cũng có nguyên nhân do người tham gia giao thông thiếu ý thức. Nhưng để có ý thức thì không phải do phân làn. Thậm chí ngược lại, khi mà “đầu” của người tham gia giao thông căng thẳng hơn!

Từ những nguyên nhân trên cho thấy, Hà Nội phân luồng cứng 1,5km đường Nguyễn Trãi để xem đoạn đường này có đỡ rối loạn giao thông hay không là không cần thiết. Chắc chắn là như thế.

Đáng tiếc, việc thí điểm này lại do Ngành Trật tự giao thông đô thị tham mưu cho thành phố. Họ là những người rất am tường về nguyên nhân ùn tắc giao thông ở Hà Nội! Giá kể chuyển đổi sang tham mưu cho cấp trên “khai tử” đường BRT thì dân được nhờ biết mấy.

Nhưng thôi, qua cuộc thí điểm này, tuy cũng tốn lắm tiền công quỹ - xót đấy, nhưng đổi lại lãnh đạo Hà Nội có dịp hiểu hơn phẩm chất, năng lực cấp dưới của mình.

Huy Thiêm