Điều này lại một lần nữa minh chứng, những chiến sĩ “đầu trần, chân đất” bộ đội cụ Hồ có thể làm nên những kỳ tích trong chiến đấu, giành lại máu thịt của quê hương bằng mưu trí can trường, thích nghi với mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.

Rẽ sóng diệt giặc

Ở độ tuổi ngoại bát thập, song Thiếu tướng Mai Năng (Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công) còn rất tinh tường. Kể về những trận chiến gian khó giành lại từng tấc đất quê hương với lớp trẻ, vị tướng già như trẻ lại, sôi nổi tới lạ kỳ.

Ông bảo rằng, vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, với những đòn tấn công của của quân giải phóng, hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam dần bị phá vỡ. Đây cũng chính là thời khắc Quân chủng Hải quân nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhanh chóng tổ chức lực lượng, giải phóng các quần đảo do quân Ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Và, Đoàn 126 (đặc công) là đơn vị được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ.

Theo lời tướng Mai Năng, đây là nhiệm vụ rất khó khăn tuy nhiên lại rất vinh dự bởi vùng biển này mang ý nghĩa to lớn cả về kinh tế lẫn quân sự. Cái khó ở đây là bộ đội đặc công đánh dưới nước của ta từ trước đến giờ đánh tầu, cầu, cảng và kho tàng của Hải quân đối phương chứ không phải đánh căn cứ, cứ điểm, đồn bốt.

Thêm vào đó, đặc công nước tuy của Hải quân nhưng lại không phải là người đi trên biển nên ít người chịu được sóng gió lớn. Đặc biệt, cách đánh của đặc công phải mắt thấy, tai nghe, chân đến, tay sờ thì mới chắc thắng. Thế nhưng, với quần đảo Trường Sa, đặc công của ta không sờ được, chưa đến được và cũng chưa thấy được. Câu hỏi đặt ra khi ấy là: Chưa trinh sát mà lại đánh, thì sẽ đánh cách nào?

Khó khăn là thế, nhưng lực lượng đặc công Hải quân lại rất vui sướng vì sẽ được tham gia vào trận đánh cuối cùng, vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nên ai cũng hào hứng.

“Chúng tôi bàn với nhau: Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đã đến là đánh và quyết thắng ngay từ trận đầu, hoàn thành nhiệm vụ Đại tướng Tổng Tư lệnh giao,” Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại.

Hành quân vào Đà Nẵng vào cuối tháng 3, tới ngày 10/4/1975, hơn 200 chiến sĩ của Đoàn 126 do Thượng tá Mai Năng xuống 3 chiếc tàu không số, giả dạng làm tàu đánh cá xuất phát đi tới khu vực quần đảo Trường Sa. Tới ngày 13, ba chiếc tàu này đã tới khu vực đảo Song Tử Tây chuẩn bị quyết đấu trận đầu tiên. Tại đây, các chiến sĩ được chia làm 7 đội, nhắm mục tiêu 6 đảo và 1 đội cơ động sẵn sàng tiếp ứng.

Quyết chiến ở Song Tử Tây

Trước tình hình không trinh sát rõ trên đảo, Thượng tá Mai Năng chỉ huy các chiến sĩ phải tiến hành trinh sát vũ trang, có nghĩa là đi đến đâu đánh đến đó.

Nói về trận chiến giao tranh với giặc ở Song Tử Tây, Trung tá Đào Mạnh Hồng (Phó Ban kinh tế, Hội Cựu chiến binh Hải Phòng) cho phóng viên Vietnam+ hay, khi ấy ông phụ trách một mũi quân tiến công vào đảo.

Đêm 13, rạng sáng ngày 14/4, Trung tá Mai Năng giao nhiệm vụ cho phân đội của ông Hồng gồm 20 chiến sĩ xuống biển bằng xuồng cao su, vượt khoảng 5 hải lý đến Song Tử Tây. Cách đảo khoảng 2 hải lý, các chiến sĩ phải bỏ phao, bơi vào bờ. Tới khoảng 3 giờ 30 phút, các lực lượng đã áp sát mục tiêu trên đảo. Gần 4 giờ 30, trời mờ sáng đã giúp đặc công nhìn rõ mục tiêu (trên đảo có 3 lô cốt).

Đúng 4 giờ 30, những phát đạn đầu tiên đã nổ, những chiến sĩ “Bắc Việt” đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi của Tổ quốc bắt đầu trận đánh.

Theo lời ông Hồng, với đa phần các chiến sĩ, đây là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp. Trận chiến đấu với 39 tên lính Ngụy diễn ra hết sức quyết liệt và giằng co khi địch không còn đường lui. Cho dù bị các “kình ngư” bất thình lình tấn công, song húng quyết tâm “hất” các chiến sĩ đặc công trở lại biển.

Thế nhưng, với lòng quả cảm, chiến thuật tác chiến hợp lý, lực lượng đặc công đã dành chiến thắng, tiêu diệt 6 và bắt sống 33 tên địch (trong đó có 1 Thiếu úy, 1 Chuẩn úy). Ngoài ra, ta thu được 2 khẩu đại liên 50, 1 khẩu DKZ, 2 khẩu cối 61, 2 khẩu trung liên và nhiều súng bộ binh các loại.

Trong trận đánh này, lực lượng đặc công bị tổn thất 2 đồng chí (1 hy sinh tại chỗ, 1 đưa vào đất liền thì hy sinh). Đây cũng là trận đánh duy nhất trong đợt giải phóng Trường Sa tháng 4/1975 quân đội ta bị thiệt hại về quân số.

Sau khi giải phóng Song Tử Tây, lực lượng đặc công lập tức triển khai nhiệm vụ phòng thủ, chuyển thương binh, hàng binh về Đà Nẵng và nhanh chóng rút kinh nghiệm để đánh tiếp các đảo còn lại.

“Tới ngày 28/4, 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng. Chúng tôi phòng thủ đến khoảng giữa tháng 5 thì một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ra tiếp quản và đặc công lại về Sài Gòn làm nhiệm vụ mới,” Tướng Mai Năng nói.

Ông cũng kể rằng, trong thời khắc chiến thắng 30/4, không thể diễn tả được niềm vui của các chiến sĩ đặc công trên đảo. Bởi, sau nhiều xương máu của toàn quân, toàn dân đổ xuống, đất nước ta sẽ bước sang trang sử mới vẻ vang./.

Theo Vietnam+

(TH)