Cuộc xung  đột Nga – Ukraine kéo dài đã 2 năm. Bất chấp sự trợ giúp mạnh mẽ của phương Tây, phía Ukraine vẫn không đạt được tiến triển đáng kể trên chiến trường, ngược lại, còn bị quân Nga đẩy lùi ở nhiều hướng. Tình cảnh này đang làm chia rẽ nước Mỹ, đặc biệt, gây bất ổn cho Liên minh châu Âu (EU) cả về chính trị và kinh tế.

“Quyền bá chủ của phương Tây đã chấm dứt”

Đó là lời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ nước này tại thủ đô Budapest: “Quyền bá chủ của phương Tây đã chấm dứt, không còn gì phải nghi ngờ. Một trật tự thế giới mới đang hình thành và Hungary sẽ duy trì con đường độc lập của riêng mình”. Thủ tướng Hungary mô tả xung đột Ukraine là một “cuộc chiến ủy nhiệm”, mọi người đều hiểu điều này và phương Tây không có cơ hội chiến thắng. Theo nhà lãnh đạo Hungary, “chỉ có một giải pháp cho xung đột, đó là đàm phán hòa bình. Điều này sớm hay muộn cũng phải bắt đầu”. Ông cũng chỉ trích việc EU không nắm bắt cơ hội để đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moskva ngay từ đầu cuộc xung đột.

Cùng quan điểm với Thủ tướng của mình, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với The Washington Times: “Chúng tôi tin tưởng Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, vì Nga hiện đang có được sức mạnh  tiến về phía trước”.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói cách tiếp cận của phương Tây đối với xung đột Ukraine là “thất bại hoàn toàn. Tôi không tin vào một giải pháp quân sự cho xung đột ở Ukraine, EU nên có kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến này”. Ông Fico đã nhiều lần lặp lại các tuyên bố của Nga về nguyên nhân xung đột, trong đó có việc chính phủ Ukraine điều hành một nhà nước “phát xít”. Ông cũng cho rằng số lượng vũ khí mà phương Tây hỗ trợ Ukraine nhiều đến đâu cũng không thể thay đổi cục diện cuộc chiến.

Dù là những thành viên EU và NATO, song Hungary và Slovakia giữ quan điểm tương đối trung lập. Hai nước này từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và không đồng thuận với các lệnh trừng phạt Nga mà EU đưa ra, cho rằng những biện pháp này sẽ không thể gây bất ổn cho Nga mà ngược lại, gây thiệt hại cho chính Liên minh. Hungary và Slovakia cũng nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế nên tập trung vào việc ngăn căng thẳng hiện tại giữa Nga và NATO trở nên tồi tệ hơn.  

Khi người nông dân xuống đường

Vài tháng nay, thế giới chứng kiến việc hàng chục nghìn nông dân châu Âu lái máy kéo chặn các đường phố, các tuyến đường dẫn về các thành phố, các cảng, khiến giao thông tắc nghẽn, thậm chí lái xe tải về bao vây tòa nhà Nghị viện châu Âu. Các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ nhất ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Romania, Ba Lan, Hy Lạp, Đức, Bồ Đào Nha…

Nguyên nhân là, để “tỏ tình đoàn kết” với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, EU đã miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine. Hậu quả của việc nhập khẩu nông sản giá rẻ (ngũ cốc, đường, thịt..) từ Ukraine đã khiến giá lương thực tại các nước châu Âu giảm và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ngũ cốc địa phương.

“Dữ dội” nhất là ở Ba Lan. Nông dân xuống đường biểu tình khắp cả nước, chặn đường quốc lộ và lối ra vào các trạm kiểm soát ở biên giới giáp Ukraine. Tại các cửa khẩu biên giới, họ nhiều lần đổ ngũ cốc từ xe tải và toa tàu Ukraine xuống đường. Yêu cầu chính vẫn vậy: ngừng nhập khẩu nông sản Ukraine sang Ba Lan và từ bỏ các kế hoạch môi trường của Liên minh châu Âu.

Trước làn sóng biểu tình lan rộng, Ủy ban châu Âu đã đề xuất hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine bằng cách áp dụng “phanh khẩn cấp” đối với những mặt hàng nhạy cảm nhất như gia cầm, trứng và đường. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng số lượng nhập khẩu vẫn còn đang quá cao.

Đăng Song