Phát hành Hợp đồng hợp tác kinh doanh với lãi suất “khủng” kèm quà tặng là bất động sản tương ứng, Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) đã thu về khoản tiền... Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư cảm thấy lo lắng bởi hợp đồng hợp tác ký kết với Công ty có một vài ý trong điều điều khoản có thể bất lợi cho nhà đầu tư.

Cam kết lợi nhuận "khủng" nhưng liệu có an toàn cho nhà đầu tư?

Gần đây, cái tên Công ty BĐS Nhật Nam đã và đang nổi lên như “diều gặp gió” bởi những lời kêu gọi đầu tư an toàn, bền vững và lãi suất rất cao. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn cái tên Công ty BĐS Nhật Nam đã được nhiều nhà đầu săn tìm.

Được biết, Công ty BĐS Nhật Nam có mã số đăng ký kinh doanh số 0108807984 (đăng ký thay đổi lần 2 ngày 23-12-2019) người đại diện theo pháp luật bà Vũ Thị Thúy sinh năm 1983, ở Khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Trụ sở chính của Công ty tại 54 Ngô Thị Thu Minh, Phường 2, Quận Tân Bình, T.P Hồ Chí Minh.

Theo quảng bá mà Công ty BĐS Nhật Nam tự giới thiệu trên website https://nhatnamgroup.com.vn, Công ty BĐS Nhật Nam đã xây dựng được nhiều cơ sở kinh doanh trên cả nước và hàng loạt bất động sản trải dài từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột, Tây Ninh, Phú Quốc… Đồng thời, công ty này xây dựng được hệ thống tòa nhà, văn phòng giao dịch trên nhiều tỉnh - thành khắp cả nước nhằm thuận tiện giao dịch hơn cho nhà đầu tư.

Theo lời quảng cáo chính thức trên website, Công ty BĐS Nhật Nam là “một doanh nghiệp tuy mới thành lập nhưng có ban lãnh đạo và đội ngũ nhiều kinh nghiệm. Với gói đầu tư an toàn, lãi suất cực kỳ hấp dẫn, nhận lợi nhuận mỗi ngày về tài khoản ngân hàng”. Đến với Nhật Nam là khách hàng có cơ hội “làm giàu nhanh chóng, tăng giá trị tài sản trong tương lai”.

Thông qua các sự kiện ra mắt và trên website của doanh nghiệp, Công ty BĐS Nhật Nam đã công bố chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày, với mức cam kết lợi nhuận lên đến 44%/24 tháng, còn được tặng 1 BĐS trị giá tương ứng gói đầu tư. Như vậy, tổng mức lợi nhuận nhà đầu tư nhận được sau 2 năm lên tới 144%. Trong trường hợp nhà đầu tư không nhận bất động sản, Công ty BĐS Nhật Nam sẽ quy đổi sang tiền mặt, với mức lãi suất giảm còn 92%/24 tháng.

Các gói đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam dao động từ 20 triệu đồng đến 5 tỉ đồng. Cụ thể, nếu đầu tư gói 1 tỷ đồng, mỗi ngày nhà đầu tư sẽ được phân phối lợi nhuận 3 triệu đồng, sau 24 tháng sẽ nhận tổng lợi nhuận 1,440 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được nhận 1 bất động sản có giá trị tương đương 1 tỷ đồng sau khi hợp đồng kết thúc. Đối với gói 5 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi ngày được 15 triệu đồng, mỗi tuần là 75 triệu đồng, sau 24 tháng sẽ nhận được lợi nhuận là 7,2 tỷ đồng và được hoàn tiền đúng bằng số tiền gốc (5 tỷ đồng), dùng mua BĐS của Công ty.

Vấn đề đặt ra đối với các nhà đầu tư là có ngành kinh doanh nào trong 24 tháng lãi khủng khiếp như vậy?

Bảng tính lãi “khủng” của Công ty BĐS Nhật Nam để lôi kéo khách hàng.

Đáng chú ý, với mức lãi suất 144%/24 tháng, tương đương 72%/năm, lợi nhuận hấp dẫn mà Công ty BĐS Nhật Nam đang trả cho nhà đầu tư cao hơn rất nhiều lần lãi suất hiện tại của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Đặc biệt, mức 144% chỉ là lợi nhuận Công ty BĐS Nhật Nam chi trả cho nhà đầu tư, chưa tính tới lợi nhuận cho doanh nghiệp. Qua đó có thể thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty BĐS Nhật Nam đạt được lợi nhuận mà rất ít các công ty bất động sản hàng đầu trong nước thời điểm hiện tại “trong mơ” cũng không nghĩ đến!?

Không chỉ kêu gọi góp vốn rầm rộ, Công ty BĐS Nhật Nam cũng liên tục chào mời tham gia hội nghị chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tài chính 4.0 với những lời chào mời “có cánh” như “Bí quyết đầu tư thu lợi nhuận 120-144% lần đầu được Công ty BĐS Nhật Nam chia sẻ”, “Nhận voucher mua bất động sản ngay sau hội nghị…”.

Dư luận cũng như các nhà đầu tư đang lo lắng và hoài nghi là, Công ty BĐS Nhật Nam có cam kết pháp luật rõ ràng để đảm bảo việc mình được phép huy động vốn với lãi suất khủng những vẫn “an toàn bền vững” hơn so với lãi suất của ngân hàng hiện nay hay không? Kêu gọi vốn với lãi suất "khủng" như trên có phải là biến tướng của hoạt động kinh doanh kiểu đa cấp?

Các điều khoản “mập mờ” Hợp đồng hợp tác kinh doanh?

Cam kết lợi nhuận "khủng" như vậy, nhưng hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Công ty BĐS Nhật Nam đưa ra lại hết sức “sơ sài” kèm các điều khoản khá mập mờ. Các nhà đầu tư cho rằng, tại Điều 1 về lĩnh vực kinh doanh có ghi bên B và bên A hợp tác để xây dựng chuỗi dịch vụ và dự án bất động sản như trên và cùng phân chia lợi nhuận.

Điểm mâu thuẫn đáng chú ý, tại Điều 2 của hợp đồng về mục đích sử dụng tiền hợp tác để kinh doanh nhưng tại Điều 3, Điều 4 và Điều 6 cũng nêu việc hợp tác giữa 2 bên không phải là xây dựng kế hoạch chiến lược kinh doanh chuỗi dịch vụ và dự án Bất động sản mà lại là xây dựng chuỗi dịch vụ và dự án bất động sản.

Theo lời quảng bá của công ty, nhà đầu tư có thể tùy ý rút vốn nếu không muốn tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, thực tế, tại Điều 9 của Hợp đồng lại ràng buộc, nếu rút vốn trước thời hạn (trước 24 tháng), nhà đầu tư sẽ bị phạt 20% giá trị hợp đồng và hoàn trả lại những gì đã nhận. Còn nếu muốn chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 thì chịu các loại chi phí tương đương 10% giá trị hợp đồng.

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế".

Theo đó, đây là loại hợp đồng để đầu tư mà không thành lập pháp nhân mới, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn giữ nguyên tư cách pháp lý của chính mình, nhân danh mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Khoản 13, Khoản 14 và Khoản 15, Luật Đầu tư năm 2014.

Các nhà đầu tư có kinh nghiệm về lĩnh vực BĐS còn rất băn khoăn, với những hợp đồng hợp tác kinh doanh thông thường thì sẽ ghi rõ số phần vốn của mỗi bên có vào, ghi rõ một hoặc một vài lĩnh vực đầu tư cụ thể, ghi rõ thời gian góp vốn, ghi rõ phương thức quản lý, chế độ kế toán, các chi phí hợp lý, cách phân chia lợi nhuận và các nội dung khác trong hợp tác kinh doanh...

Tuy nhiên, với biểu mẫu hợp đồng mà Công ty BĐS Nhật Nam đưa ra thì chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như không ghi rõ những tài sản đang có của bên A là Công ty BĐS Nhật Nam. Phụ lục thì ghi về tiền lãi, lãi suất... Bởi vậy với biểu mẫu hợp đồng này và phụ lục hợp đồng thì đây không phải là một hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn thuần mà nội dung hướng đến việc huy động vốn bằng hình thức vay không có thế chấp? Một điểm lưu ý khác mà nhà đầu tư lo lắng là trong trường hợp hoạt động góp tiền để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản thì hành vi huy động vốn kiểu này có thể là huy động vốn trái phép?

Theo đó, những người tham gia ký kết hợp đồng này sẽ không được nắm giữ tài sản đảm bảo, sẽ không được quản lý việc sử dụng tiền, thậm chí phạm vi đầu tư kinh doanh rất rộng, không biết đồng tiền của mình sẽ được Công ty BĐS Nhật Nam sử dụng như thế nào.

Quỹ bất động sản lớn ở mà Nhật Nam quảng bá thực tế ra sao?

Cũng theo quảng bá của Công ty BĐS Nhật Nam về các dự án  bất động sản mà Công ty BĐS Nhật Nam quảng bá, như các dự án tại Mỹ Đức (Hà Nội), Thạch Thành (Thanh Hóa), Phú Quốc…; PV đã tìm hiểu thực hư về pháp lý thực sự của 20 lô đất mà Công ty BĐS Nhật Nam giới thiệu là “dự án” có vị trí đắc địa tại xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội  ra sao.

Theo chỉ dẫn thực địa của chính quyền xã An Phú, thật bất ngờ vị trí 20 lô đất “đắc địa” hiện vẫn là cánh đồng lúa, cạnh đó một số thửa ruộng không cấy lúa mà trồng rau muống, một số mảnh đã được đổ vài xe đất lấp ít thửa ruộng. Ông Nguyễn Mạnh Ngự - Phó chủ tịch UBND xã xác nhận, chưa có bất kỳ giao dịch BĐS nào mang tên của “dự án” của Công ty BĐS Nhật Nam.

Như vậy, khi chưa được chính quyền giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng Công ty BĐS Nhật Nam đã vội vàng giới thiệu đến các hội nghị khách hàng các vị trí lô đất trên là nhằm mục đích gì?

Để rõ hơn thực hư, PV đã tham gia vào các hội nghị khách hàng của Công ty BĐS Nhật Nam với chủ đề “Giải pháp đầu tư kinh doanh hiệu quả trong BĐS”, tổ chức tại trụ sở Giao dịch tại 48 phố Tú Mỡ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, T.P Hà Nội. Tại các hội nghị, có tới hàng trăm khách hàng tập trung tại hội trường của Công ty để nghe các cán bộ của Công ty BĐS Nhật Nam giới thiệu về các gói đầu tư hấp dẫn, với lãi suất cao hơn lãi ngân hàng rất nhiều. Để tạo niềm tin với khách hàng, Công ty BĐS Nhật Nam đã giới thiệu về các dự án BĐS và chuỗi nhà hàng mà Công ty đã sở hữu. Tuy nhiên, khi hỏi về pháp lý các dự án, cán bộ giới thiệu lý giải: Công ty mới thành lập, do vậy để có dự án “tầm cỡ” là không thể vì để có dự án được cấp phép phải mất thời gian. Điều đặc biệt, dự án đang triển khai, do đó khách hàng cần xuống tiền đầu tư, yên tâm về lãi “khủng”…

Như vậy, sau buổi hội nghị khách hàng, có thể nhận thấy thực chất hoạt động trên là hình thức kêu gọi, đầu tư, góp vốn vào Công ty BĐS Nhật Nam để hưởng lãi “khủng”? Trước sự việc trên, thời gian qua không ít đơn vị, công ty đã bị lao vào vòng lao lý vì các hình thức đầu tư kinh doanh, huy động vốn hứa hẹn sẽ trả lãi suất “khủng”, hậu quả của những hứa hẹn trên khiến không ít người dân đã “tan gia bại sản”. Trong khi đó, phần lớn người dân hay các nhà đầu tư vẫn rất mơ hồ về dự án, mơ hồ về tính pháp lý trong hợp đồng mà mình ký kết. Niềm tin của nhà đầu vào các quỹ bất động sản lớn ở vị trí đắc địa trải đều từ Bắc vào Nam mà Công ty BĐS Nhật Nam quảng bá thực chất ra sao? Có lẽ cần phải có sự vào cuộc của của cơ quan chức năng thì mới làm rõ được. Mặc dù phóng viên Báo CCB Việt Nam đã có nội dung đề nghị được làm rõ những thông tin nêu trên đến Công ty BĐS Nhật Nam nhiều ngày nay nhưng phía công ty vẫn không phản hồi và im lặng một cách khó hiểu.

Hoàng Thanh