“Cuộc hôn nhân” đầy trắc trở
Thực ra, không phải đến ngày 23 “gây sốc” và trước đó là 4 tháng vận động giữa hai phe, câu chuyện “đi hay ở” mới nổi lên ở xứ Sương mù, mà ngay từ khi gia nhập EU-vào năm 1973, muộn hơn phần lớn quốc gia thành viên khác đến hơn 20 năm, nước Anh với bản tính bảo thù, thực tế của mình luôn hoài nghi, lạnh nhạt với cộng đồng này. London không tham gia đồng tiền chung euro, không ký kết Hiệp ước Schengen về tự do cư trú, tự do đi lại… Đến nay, thời gian dường như đã đủ để những người ủng hộ Brexit cho rằng kinh tế Anh sẽ mạnh hơn, sẽ phát triển tốt hơn nếu không dính tới EU. Với việc Anh rời khỏi EU, sẽ không còn chuyện hàng vạn người trong khối EU tràn tới sống ở Anh và được hưởng các lợi ích xã hội của Anh như giáo dục miễn phí; phúc lợi khi đó sẽ chỉ dành cho người Anh. Thứ ba, khi không còn là thành viên EU, nước Anh hằng năm sẽ không mất 8,5 tỷ bảng, tức khoảng 12,4 tỷ USD-là khoản tiền còn lại từ phí thành viên lên tới 13 tỷ bảng mỗi năm trừ đi 4,5 tỷ bảng do EU tái đầu tư, khoản tiền này sẽ dùng cho y tế. Cuối cùng, để trở thành thành viên EU, mỗi nước phải chấp nhận mất đi chút ít chủ quyền, phải tuân theo các thỏa thuận thương mại, luật pháp và sự quản lý chung của EU. Đây là điều mà những người ủng hộ Brexit không ưa. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục “ly khai”, một nước Anh không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... chính là viễn cảnh được quá nửa người dân Anh hy vọng.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là không nhỏ. Nước Anh có thể phải mất tới 10 năm để làm lại từ đầu trong mọi lĩnh vực, kinh tế Anh có thể tụt dốc trong 5 năm tới. Nguy hại hơn là sự chia rẽ trong xã hội Anh, có thể dẫn đến tình cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Hơn 3 triệu người dân Anh-sau một đêm “mơ màng” đang yêu cầu tái trưng cầu việc “đi hay ở”. Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh.
**“Ngôi nhà chung” rung chuyển **
Vẻ ngoài điềm tĩnh của Chủ tịch Hội đồng EU-Donald Tusk khi ông tiếp nhận tin dữ không thể che giấu một sự thật là việc Anh ra đi chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Brexit không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế đang thoái trào mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của EU. Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU. Việc Anh từ bỏ tấm thẻ thành viên EU có thể sẽ châm ngòi cho nhiều nước khác làm theo. Lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, Đan Mạch kêu gọi hai nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. “Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi” - họ cho biết. Nhiều người dân Áo, Pháp, Italy… cũng có yêu cầu tương tự. Tại Tây Ban Nha, sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi nước này. EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên và phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước nhỏ còn lại. EU cũng sẽ mất dần “sức nặng” trên trường quốc tế, do Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế.
Hơn 66 năm nay, các kiến trúc sư EU luôn cổ súy cho một liên minh kinh tế với một đơn vị tiền tệ chung và một ngân hàng trung ương độc lập; một liên minh chính trị với chính sách đối ngoại và an ninh chung, từ đó tiến đến nhất thể hóa châu Âu. Tuy nhiên, EU đã không xử lý hiệu quả nhiều vấn đề nan giải như buôn lậu, di cư, nhập cư, khủng bố và nhất là mâu thuẫn quyền lợi dân tộc với quyền lợi chung của khối. Hệ quả đầu tiên và tồi tệ nhất đã xảy ra, và nếu EU không thể hoặc không muốn thay đổi thì viễn cảnh “ngôi nhà chung” của họ tiếp tục mất đi một vài phòng hoàn toàn có thể xảy ra.
Đăng Song