Mấy tuần nay trên mạng xã hội lại dậy sóng chuyện tiền nhiều để làm gì? Đây là câu nói của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ ở phiên toa xử ly hôn giữa ông và vợ ông. Trong ngữ cảnh của câu nói này thì đây là lời tự bạch nhiều hơn là một câu hỏi.

Tiền nhiều để làm gì? Thực ra là câu hỏi không khó trả lời và cũng đã có rất nhiều học giả lý giải từ lâu lắm rồi. Chúng ta bây giờ có nói cũng khó mà đầy đủ hơn. Cứ tạm thời bằng lòng với một câu khái quát: “Tiền (danh từ) không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không có tất cả”.

Nhân nói về tiền, tôi muốn nhìn đồng tiền ở một góc khác. Đó là: “Đồng tiền không chân chính” (tính từ). Có một sự thật là kiếm ra tiền đã khó, nhưng sử dụng đồng tiền như thế nào cho hiệu quả còn khó hơn. Nhất là những đồng tiền mình kiếm được bằng những việc làm không trong sáng - tạm gọi là những đồng tiền không chân chính, thì chông chênh lắm, nếu như không muốn nói là nguy hiểm.

Này nhé. Ví dụ, một cán bộ, công chức tham nhũng lấy được tiền của công… Khỏi phải nói cuộc sống của ông ta được cải thiện nhờ những đồng tiền đó như thế nào. Nhưng nếu vụ việc bị phát giác thì chính những đồng tiền đó đã ngược lại làm ông mất nhiều thứ mà thậm chí lúc đó có dùng nhiều tiền chân chính cũng không mua được, như quyền tự do, như danh dự, như phẩm giá…

Đó là chưa nói ảnh hưởng đến những người liên đới. Chả thế mà tháng 4-2018 ở quận Cầu Giấy, đã có một cháu gái bé bỏng sau khi bố vào tù về tội tham nhũng, đã trở nên sống cô độc, thậm chí quyên sống mấy lần…

Chông chênh còn ở những người được hưởng từ đồng tiền không chân chính thường sống “lệch chuẩn” do đánh giá không đúng về giá trị của đồng tiền - hoặc là ích kỷ coi thường những người lao động chân chính; hoặc là  “tiêu tiền như rác” - cả hai đều là kẻ thù của đạo đức.

Thấy chông chênh của đồng tiền không trong sáng phần nào góp vào mục tiêu của Đảng ta đang xây dựng một cơ chế để cán bộ không dám tham nhũng.

HUY THIÊM