Doanh nhân CCB Trần Văn Thư (bên trái) hướng dẫn nhân viên sửa xe ô tô tại xưởng.

Từ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa trở thành doanh nhân, CCB Trần Văn Thư ở huyện Quế Võ đã nỗ lực không mệt mỏi để nay trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh.  

Gia tài của ông - người lính lái xe Trường Sơn trở về sau trận mạc là chiếc ba lô cũ và vài bộ quần áo đã bạc màu, với đồng lương hưu hạn hẹp, cộng thêm vài sào ruộng lúa khoán, vào những năm 90 của thế kỷ trước!

Đã bao đêm ông thức trắng suy nghĩ tìm lối đi nhưng bài toán phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình ở thời điểm đó không dễ tìm ra lời giải. Đặc biệt, ở tuổi của ông chưa phải là già nhưng chẳng sớm để khởi nghiệp. Có câu rằng: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi! Từ những trăn trở, quan sát, ông nhận thấy nghề truyền thống của địa phương: “Gốm Phù Lãng”, tuy đang bị mai một, nhưng đây là dòng gốm có sắc thái riêng biệt. Vậy, sao mình không đi lên từ gốm? Sao không làm giàu từ gốm trên chính quê hương mình? Những câu hỏi ấy cứ thôi thúc trong lòng ông mãi không nguôi. Nghĩ và quyết tâm làm, ông bắt đầu đắp lò sản xuất gốm.

Còn đầu ra. Với tư duy nhạy bén, năm 1997, ông vận động một số anh em CCB có xe ô tô thành lập HTX vận tải Quế Võ do ông làm Chủ nhiệm, ban đầu vừa chuyên chở sản phẩm gốm sành Phù Lãng, vừa kết hợp chở thêm những mặt hàng khác đi bán khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam. Càng ngày càng đông khách hàng mua gốm sành Phù Lãng, ông càng nâng cao chất lượng, giữ giá ổn định và đầu tư mẫu mã ngày một phong phú hơn; đặc biệt là đầu tư sâu sản xuất tiểu sành phục vụ quy tập, cất bốc các hài cốt liệt sĩ ở các Nghĩa trang liệt sĩ như Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9...

“Được trở lại các Nghĩa trang liệt sĩ, trở lại những vùng đất khói lửa một thời, tôi luôn nhắc nhở mọi người trong Công ty phải làm thật tốt, thật chất lượng và thật chu đáo, mong góp một phần nhỏ trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” các đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh cho đất nước được thanh bình như hôm nay” - từ sâu thẳm lòng mình CCB Trần Văn Thư xúc động chia sẻ.

Tôi gợi hỏi: Sao ông không khởi nghiệp từ nghề khác mà lại là gốm và xe tải? Ông cười hiền: “Vừa là duyên vừa là nghiệp. Gốm là nghề của quê hương. Còn xe là thế mạnh của bản thân do Quân đội “cho”...!”.  

Từ những thành công ban đầu, năm 2003, CCB Trần Văn Thư mạnh dạn vay vốn, thuê mặt bằng thành lập Công ty TNHH Đại Tân chuyên dịch vụ vận tải hàng hóa và xe du lịch; năm 2016, đầu tư xây dựng nhà xưởng may gia công xuất khẩu. Đến nay, xưởng may của ông hoạt động ổn định, chuyên may cho các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện nay, Công ty có gần 200 ô tô các loại, cùng với xưởng may, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, trong đó có 70-100 lao động là con, cháu của CCB - đồng đội cũ; lương bình quân từ 9 triệu đồng/người/tháng.

Hỏi về bí quyết thành công trong kinh doanh của mình, CCB Trần Văn Thư vui vẻ nói: “Tôi có bí quyết gì đâu! Những ngày lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa đã tôi luyện nên con người tôi. Tôi phải cảm ơn Quân đội đã rèn cho tôi bản lĩnh, dù khó khăn vất vả thế nào, mình vẫn phải kiên trì để vượt qua. Đặc biệt là tính kỷ luật trong Quân đội, ở đâu cũng cần có tính kỷ luật và nguyên tắc. Khi về sản xuất kinh doanh phải dựa theo nguyên tắc và tính kỷ luật, lấy nó làm trụ cột trong việc điều hành của mình. Ở Công ty, chúng tôi quy định rõ ràng, ai làm tốt thì khen thưởng, ai vi phạm thì kỷ luật, thưởng phạt công minh…”. Ông bảo: “Nhất là người đứng đầu, mình nói thế nào, làm thế ấy. Kinh nghiệm nói ít làm nhiều thì được, chứ nói nhiều làm ít là nguy!”  

Vừa trò chuyện, ông vừa dẫn tôi đi tham quan khu nhà xưởng, đến khu bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, anh Nguyễn Văn Quang - nhân viên kỹ thuật của Công ty nhờ giám đốc hỗ trợ. Tôi gặp, hỏi, anh Quang nói với tôi: “Mình rất hài lòng với môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ của Công ty. Bạn thấy đấy, giám đốc và nhân viên rất gần gũi, hòa đồng. Có gì khó khăn hoặc không hiểu là nhân viên đều tìm giám đốc. Bác Thư sẵn sàng chia sẻ, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình đến khi hiểu mới thôi. Chúng mình xem bác Thư như đồng nghiệp!”.

Đã có một cơ nghiệp, nhưng trao đổi, tiếp xúc với ông, rồi nghe cấp dưới của ông nói, mới thấy CCB Trần Văn Thư vẫn chưa có ý định “gác kiếm” ngay cả ở tuổi theo quy luật là được nghỉ ngơi này. Như hiểu suy nghĩ của tôi, ông nói: “Công ty được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho phát triển nhiều lắm. Còn nội bộ thì đoàn kết, trên dưới thương nhau, mọi thứ đang vào nhịp, khiến mỗi ngày đến Công ty là một ngày vui, nên tôi vẫn muốn làm việc, vẫn muốn chèo lái Công ty; thậm chí vẫn muốn tiếp tục sáng tạo, mở rộng để doanh nghiệp không ngừng phát triển sao cho “ích nước, lợi nhà”.  

Rồi ông giải thích thêm: “Tôi không quản ngày đêm lăn lộn cùng bộ phận vận tải trên các cung đường mà Công ty trải qua. Tôi vẫn phải đào tạo lại từ lái xe, thợ sửa chữa… Kể cả Phòng Kỹ thuật, tôi quy định nghiêm ngặt 1 tháng kiểm tra xe một lần; đồng thời luôn luôn soạn ra những “bài giảng” để hằng ngày dạy cho người lái xe những kỹ năng cần thiết khi cầm vô lăng xe đi trên đường, nhất là đội ngũ lái xe mới. Đối với công nhân may, với tôi tuyển vào mới chỉ là khởi đầu, đào tạo lại mới là cơ bản, mà giáo viên chính là những thợ giỏi của Công ty…”.

Bây giờ thì tôi hiểu vai trò thủ lĩnh CCB Trần Văn Thư. Đó là chưa nói, hiện ông còn là Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh.

Vũ Minh