Theo số liệu ước tính, hiện nay có khoảng 580.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Nhiều địa phương xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những hướng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững. Đối với người lao động, XKLĐ không chỉ là cơ hội việc làm, mà còn là điều kiện để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động.

Mỗi năm, Việt Nam đưa hàng nghìn lao động đi làm việc tại các vùng, lãnh thổ trên toàn thế giới và cũng đón hàng nghìn lao động hết hạn hợp đồng về nước. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến nhiều lao động sau khi đi XKLĐ về khó khăn trong việc tìm kiếm công việc hay hòa nhập môi trường làm việc trong nước.

Nhiều người trong độ tuổi lao động chấp nhận đi nước ngoài 5-10 năm để kiếm tiền xây nhà và có số vốn làm ăn. Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài thì người lao động có thể tích lũy được từ 500-700 triệu đồng. Tính chung người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân thu nhập từ 5 đến 10 lần so với thu nhập trong nước. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, người lao động sau khi về nước có vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế.  

Sau 5 năm lao động tại Nhật Bản về nước, anh Trần Tiến Dũng (27 tuổi, Nam Định)  tích cóp được gần 800 triệu đồng. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, 2 năm trở lại đây, thu nhập của anh giảm đi do ít việc. Số tiền anh gửi về gia đình hằng tháng đã giúp bố mẹ xây dựng ngôi nhà mới khang trang thay cho căn nhà chật hẹp trước đây. Anh tâm sự: “Vì cuộc sống mưu sinh, phải đi làm xa nhà, những người lao động ở nước ngoài như tôi chấp nhận những khó khăn do khác biệt về văn hóa, thiếu thốn tình cảm để giúp gia đình và hi vọng có chút vốn liếng cho cuộc sống sau này. Về nhà đã được 3 tháng, nhưng tôi chưa tìm được công việc phù hợp. Có chút vốn, nhưng do dịch bệnh chưa biết thế nào, nên khả năng rủi ro cao. Với mức lương quá chênh lệch, có lẽ tôi sẽ tiếp tục tìm đơn hàng để sang Nhật làm việc”.

Lao động trở về đều mang theo hai nguồn vốn rất quan trọng. Một là, vốn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tác phong làm việc sau nhiều năm làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp. Thứ hai là, số tiền tích lũy được. Số tiền này nếu không được sử dụng hợp lý sẽ nhanh chóng mất đi, nếu được tư vấn, định hướng tốt, số vốn tài chính này sẽ sinh sôi, nảy nở. Vì thế, lao động trở về nước cần được xem là nguồn lực quan trọng của quốc gia.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), hiện nay nhiều tỉnh, thành không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, cũng không có sự tư vấn, hỗ trợ để họ có thể tìm được việc làm ổn định. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đưa người đi xuất khẩu lao động chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng... Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hệ thống hỗ trợ việc làm. Thực tế đó cho thấy, khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. Giải quyết việc làm cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động là vấn đề rất cần quan tâm cũng sẻ góp phần giảm số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình XKLĐ sau 2 năm qua bị chững lại, đến nay nhu cầu tuyển dụng của các đối tác nước ngoài có nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2022, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu đưa 90.000 người ra nước nước ngoài làm việc. Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương cần quan tâm hơn trong việc kết nối người lao động hết thời hạn về nước với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện giúp họ khởi nghiệp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực “hậu xuất khẩu”, giúp họ có điều kiện đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.

Hồ Thanh Hương