Gây sức ép quân sự, chính trị, kinh tế từ bên ngoài rồi kích động biểu tình, bạo loạn để lật đổ chính quyền là kịch bản thường thấy ở một cuộc “cách mạng màu”. Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko đánh giá đất nước ông đang phải đối mặt với kịch bản này khi dịch Covid-19 đang hoành hành mà hàng chục nghìn người vẫn tụ tập biểu tình phản đối kết quả bầu cử.
Tình hình bất ổn tại Belarus nảy sinh kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus hôm 9-8. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử T.Ư công bố, Tổng thống Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ. Tiếp đến là bà Svetlana Tikhanovkskaya của đảng đối lập nhận được 10,12% số phiếu. Bà Tikhanovkskaya tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.
“Đục nước béo cò” nhiều nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ phe đối lập và không công nhận kết quả bầu cử. Chẳng những thế, quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn được điều động áp sát biên giới Belarus như để biểu dương lực lượng ủng hộ phe đối lập, ủng hộ biểu tình, khiến tình hình trở nên rối ren hơn.
Chính quyền của Tổng thống Lukashenko không khoanh tay đứng nhìn khi vừa kiểm soát các cuộc biểu tình bằng luật pháp vừa mở cuộc điều tra hình sự đối với Hội đồng đối lập trong khi bà Tikhanovkskaya đã trốn ra nước ngoài. Bên cạnh đó, ngày 20-8, để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và thị uy, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus - Viktor Khrenin thông báo đã ra lệnh tổ chức diễn tập quân sự chiến thuật trên quy mô lớn tại khu vực Grodno, miền Tây nước này. Ông Khrenin nêu rõ có sự can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus. Ông nhấn mạnh Belarus đang tiến hành các kế hoạch liên quan đến nhiều kịch bản khác nhau và ông đã quyết định tiến hành một cuộc diễn tập chiến thuật toàn diện với sự tham gia các lực lượng của Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Tây tại khu vực Grodno.
Kịch bản “cách mạng màu” ở Belarus đã được nhận diện. Trong đó, việc can thiệp, kích động của nước ngoài là nguyên nhân chính. Trước thực tế này, Nga, một đồng minh thân cận của Belarus đã kịp thời thể hiện quan điểm của mình. Ngày 19-8, Điện Kremlin cho rằng Belarus không cần sự hỗ trợ của Nga về mặt quân sự hay hình thức nào khác đối với tình hình bất ổn hiện nay sau cuộc bầu cử tổng thống. Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov đã cáo buộc các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus, đồng thời cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được. Ông Peskov nhấn mạnh tình hình bất ổn tại Belarus là một vấn đề nội bộ nên cần được giải quyết bởi chính người Belarus.
Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov cùng ngày cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus. Bên cạnh đó, quan chức cấp cao của Nga còn cáo buộc các nhân vật đối lập Belarus, những người đã rời bỏ nước này, trong các cuộc biểu tình gần đây tìm kiếm "tình trạng đổ máu". Theo ông Lavrov, lập trường của phe đối lập không mang tính xây dựng, cũng không nhằm đối thoại. Theo sát diễn biến ở Belarus, ngày 23-8, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết: Nga sẽ coi việc cải cách hiến pháp của Belarus là một giải pháp khả thi với cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng này.
Ổn định của Belarus sẽ không thể được vãn hồi ngay nhưng chí ít Belarus đang giữ được độc lập trước một cuộc “cách mạng màu” đang diễn ra rầm rộ bất chấp đại dịch Covid-19. Nếu các biện pháp mà Nga gợi ý được áp dụng và Belarus ngăn được các thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình nội bộ, chắc rằng Belarus sẽ có sự ổn định lâu dài.
Thanh Huyền