Trước hết cần khẳng định, đây là chiêu bài cũ và lỗi thời mà phía Mỹ hằng năm cho hâm đi hâm lại nhiều lần, không khách quan, không đúng tình hình của Việt Nam, một kiểu áp đặt trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam phải gánh chịu trong những năm qua. Nó đi ngược lợi ích song phương cũng như xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay.
Có một điều cần nhấn mạnh là, để tiến hành các đánh giá, nhận xét về vấn đề nhân quyền của nước khác, dường như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thói quen khai thác thông tin một chiều. Những người thiện chí với Việt nam, sẽ không khó để nhận ra đó chỉ là một nhóm các phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để "đấu tranh" cho lợi ích cá nhân. Họ chỉ có việc làm duy nhất là rình chộp tin tức về các sự kiện tiêu cực rồi bới móc, bịa đặt, vu cáo, thổi phồng, từ đó bôi đen các giá trị và chính sách ưu việt của Nhà nước Việt Nam... Do vậy, khi thông tin về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà Báo cáo 2013 đã đề cập chủ yếu khai thác thông tin do các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy, khi quan hệ giữa Việt Nam với thế giới ngày càng mở rộng, ở Việt Nam, mọi người được tiếp xúc với thực tế hoàn toàn trái ngược với luận điệu kẻ xấu vẫn truyền bá. Chứng kiến Việt Nam phát triển vượt bậc so với trước đây, rất nhiều người đã nhận ra sự thật. Họ được tự do đi lại, được tiếp xúc với mọi thành phần xã hội, từ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đến học sinh, sinh viên, người lao động bình thường. Họ tận mắt chứng kiến sự phát triển của nước Việt Nam hôm nay. Họ nhận ra sự thật đã bị xuyên tạc và cung cấp rất nhiều bằng chứng minh chứng nhân quyền ở Việt Nam có bước phát triển vượt bậc và cũng đã và đang cho thấy bộ mặt của một số kẻ cố tình lừa dối dư luận qua các thông tin, luận điệu bóp méo, xuyên tạc.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi vì sao, từ nhiều năm nay, các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn dai dẳng phát động một chiến dịch rêu rao về nhân quyền của Việt Nam, gây sức ép lên chính quyền Mỹ để thông qua một nghị quyết sai trái. Một thứ công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Động cơ của các thế lực này đâu phải vì nhân quyền cho người dân Việt Nam, mà lợi dụng để gây sức ép để buộc Việt Nam phải theo kịch bản của họ đưa ra.
Phải nói ngay rằng, nhân quyền chỉ là một chiêu bài chính trị. Bởi những người đã không đủ lương thiện để tin vào một cuộc đổi đời của nhân dân Việt Nam. Đó là những người mà tinh thần yêu nước chỉ là chiêu bài giúp họ đạt tới các mục đích cá nhân thấp kém, trục lợi trên lưng đồng bào mình. Bởi thế, nếu khi soạn thảo Báo cáo 2013 mà dựa trên các thông tin của họ đưa ra là tiếp tay cho cái xấu, là đi ngược lại xu thế hợp tác cùng phát triển của nhân loại.
Việc làm đó đi ngược lại với những nỗ lực và xu thế tích cực không thể đảo ngược trong quan hệ Việt-Mỹ. Chân tướng của các thế lực và cá nhân thù nghịch với sự phát triển trong hợp tác Việt-Mỹ, bị chính giới và dự luận Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Tung ra những lời bịa đặt về tình hình nhân quyền, báo cáo này đã cố tình trước sự thật rằng, Việt Nam thực hiện trong vấn đề nhân quyền đã được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đảm bảo quyền con người là trọng tâm trong các chính sách phát triển KT-XH của Việt Nam. Những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II (tháng 2-2014).
Những thành tựu không thể phủ nhận trong việc thực hiện hiệu quả từ Việc hoàn thành sớm 5 trên 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), nhất là thành tựu xóa đói giảm nghèo (với tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% năm 1993 xuống còn 7,8% năm 2013), cũng là vì con người. Ngay trong bối cảnh chịu sự tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia (kể cả những nước kinh tế phát triển) cắt giảm đáng kể phúc lợi xã hội, nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ Việt Nam vẫn dành nguồn lực tới 364.000 tỷ đồng để xóa đói giảm nghèo. Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Ngay cả khi ngân sách khó khăn, nhưng chương trình mục tiêu giảm nghèo vẫn phải bố trí đủ vốn, không cắt giảm, không đình hoãn...
Cần phải nhắc lại rằng, thực hiện về nhân quyền ở mỗi nước dựa trên những đặc thù về lịch sử văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Bên cạnh những giá trị phổ quát, vấn đề nhân quyền luôn mang dấu ấn đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, nên không thể áp đặt tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc gia này, dân tộc này lên quốc gia khác, dân tộc khác.
Thiết nghĩ, việc cần làm là tôn trọng sự khác biệt; tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng. Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các nước còn có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có Hoa Kỳ nhằm tăng cường hiểu biết, thu hẹp sự khác biệt, qua đó nâng cao tính xác thực và khách quan trong những đánh giá về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
Vì thế, không thể lấy tiêu chí và nhân quyền của quốc gia này áp đặt cho quốc gia khác. Chủ quyền dân tộc là nguyên tắc cốt lõi cần nhất phải được tôn trọng trong trật tự pháp lý quốc tế. Mang danh nhân quyền để chà đạp chủ quyền quốc gia khác đang tạo ra một nguy cơ, một hiểm họa khôn lường trong thế giới hiện đại. Việc làm này đang bị dư luận thế giới lên án và bác bỏ.
Thanh Lâm