Trang The Sydney Morning Herald của Australia cho biết, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn ngang nhiên đáp lại sự phản đối của quốc tế về hoạt động của nước này ở Biển Đông bằng việc tiếp tục tăng tốc hoạt động bồi đắp cải tạo những đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
The Sydney Morning Herald dẫn lời những nguồn tin của Chính phủ, phi chính phủ và tin quân sự của Australia cho biết có bằng chứng rõ ràng cho thấy phần bên trong của bãi đá Subi, một rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đang được lấp kín.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Đức, ngày 8-6 đã ra Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong thời gian gần đây, phản đối hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông gây mất ổn định trong khu vực và đe doạ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 10-6, phát biểu trước Hạ viện tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia-Datuk Seri
Hishammuddin Tun Hussein lần đầu tiên kêu gọi các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết để đối mặt với những thách thức quan trọng liên quan đến các cường quốc hùng mạnh.
Tờ The Washington Times ngày 14-6 đăng bài phân tích của Đô đốc James A. Lyons-cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và là đại diện quân sự cấp cao của Hoa Kỳ tại LHQ cùng Richard Fisher, một học giả thành viên Trung tâm Chiến lược và đánh giá quốc tế về căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Hai học giả này cho rằng, đã đến lúc Washington phải đối mặt với thực tế mới: Hoặc là dẫn đường cho "hòa bình bằng vũ trang" trong khu vực, hoặc Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu một cuộc chiến tranh cho tham vọng thống trị khu vực.
Trong khi đó, tại Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 diễn ra tại trụ sở chính của LHQ ở New York từ ngày 8 đến 12-6, với sự tham dự của 136 trong tổng số 167 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các nước quan sát viên, Việt Nam đã nêu rõ sự quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, phá hủy môi trường và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, gây lo ngại lớn trong các nước thành viên ASEAN, cũng như các quốc gia trong và ngoài khu vực. Việt Nam yêu cầu cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm các tranh chấp ở Biển Đông.
Đăng Song