Những CCB tiêu biểu trong “Tổ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” dự Hội nghị Tổng kết 5 năm phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo lần thứ 5 (2016-2021) và Sơ kết 3 năm hoạt động Chi hội Doanh nhân CCB thị xã Gò Công.

Thật may mắn tôi được tháp tùng Đoàn cán bộ Hội CCB tỉnh Tiền Giang về thị xã Gò Công dự Hội nghị Tổng kết 5 năm (2016-2021) thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Nghe những CCB tiêu biểu về dự Hội nghị phổ biến kinh nghiệm thoát nghèo của họ trên diễn đàn khiến tôi hết sức ngạc nhiên, thậm chí bất ngờ. Vì hơn 5 năm trước, tôi có gần 10 năm làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hội, nên “cái nghèo, cái đói” của các CCB nghèo ở thị xã này tôi biết đến tường tận. Vậy mà chỉ sau vài năm, giờ họ đã không những thoát nghèo còn trở nên khá giả.

Điển hình như CCB Võ Hồng Hiệu, ngụ ở ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, về xuất ngũ “hai bàn tay trắng”, lấy vợ thành “bốn bàn tay trắng” bươn trải hết nghề này sang nghề khác, nghèo vẫn nghèo.

Tôi nhớ mãi, ngày tôi còn công tác trong tỉnh Hội, hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hiệu thậm chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cũng biết, chỉ đạo các ngành giúp đỡ, vì Hiệu là đối tượng chính sách, có thành tích trong chiến đấu ở chiến trường Tây Nam và giúp bạn Campuchia, bị thương mất 61% sức khỏe, hiện là thương binh 2/4...

Các CCB tham quan vườn bưởi da xanh của CCB Thành Luân.

Nhưng sự giúp đỡ bằng tiền, bạc giống như muối bỏ bể, “miệng ăn, núi lở” có rồi lại hết! Vậy mà gần đây, chỉ sau vài năm tham gia “Tổ giúp nhau thoát nghèo” (viết tắt là Tổ) do Hội CCB thị xã Gò Công phát động, Hiệu không những thoát nghèo, còn giàu có. CCB Võ Hồng Hiệu kể tham gia Tổ, được các Doanh nhân CCB hướng nghiệp là nghề mộc, vì biết Hiệu có năng khiếu về nghề đục đẽo. Hiệu quyết định đi học nghề thợ mộc Gò Công.

Học xong Hiệu được Tổ giúp đỡ vay vốn ngân hàng mở trại mộc. Với bàn tay khéo léo của mình, dần dần trại mộc của anh thu hút từ 30 đến 35 thợ, chủ yếu là hội viên CCB và CQN, lương từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm có uy tín bán ra thị trường, doanh thu hiện nay lên đến 2,5 tỷ đồng/năm.

CCB Võ Hồng Hiệu khẳng định: Nếu không có “con mắt tinh đời” của Hội Doanh nhân CCB thị xã phát hiện ra Hiệu có đôi bàn tay phù hợp với nghề mộc, thì giờ chắc Hiệu cũng vẫn nghèo. Nhân đây xin nói thêm, sau khi thành lập Tổ, Hội CCB thị xã Gò Công có sáng kiến vận động Hội Doanh nhân CCB thị xã đỡ đầu Tổ, về kinh nghiệm sản xuất và vốn. Kết quả, hầu hết các CCB trong Tổ thành đạt đều có sự giúp đỡ của các doanh nhân CCB thị xã.

Có hoàn cảnh giống Hiệu, CCB Phan Văn Tiện, ngụ ấp Hòa Thân, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, cũng tham gia chiến đấu chiến trường Tây Nam, sau khi xuất ngũ về địa phương anh cũng diện hộ nghèo. Cũng nhờ sinh hoạt trong Tổ mà Tiện mạnh dạng đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Từ làm ăn nhỏ lẻ, dần dần có hiệu quả, trại gà của anh phát triển lên đến 7.000 con.

Tham gia CLB làm giàu, Tiện được Hội Doanh nhân CCB thị xã gợi ý, nên kết hợp chăn nuôi gà với mở đại lý cung cấp thức ăn gia súc cho các hộ chăn nuôi. Bước đầu bỡ ngỡ, giờ quen mới thấy “làm giàu dễ thật”, vì anh nuôi gà có tiếng, nên người mua tìm đến đồng nườm nượp vừa để mua thức ăn, vừa hoc hỏi kinh nghiệm nuôi gà của anh… Từ khi mở đại lý bán thức ăn gia súc, lợi nhuận mỗi năm anh thu được thêm trên 500 triệu đồng.  

Không dừng lại ở nuôi gà, CCB Phan Văn Tiện cùng với Hội CCB xã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê do anh làm Chủ nhiệm với 5 thành viên. Lúc đầu đàn dê chỉ có 12 con, đến nay đàn dê phát triển lên 178 con, trong đó có 62 con dê sinh sản; Tổ hợp tác phát triển lên 19 thành viên, tạo việc làm cho 42 lao động, chủ yếu là hội viên và con em CCB. Thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tổ hợp tác đã có “của ăn, của để”, trích ra 20 triệu đồng và 4 con dê giúp một số hội viên CCB nghèo.

Trên đây chỉ là hai trong số 111 hội viên sản xuất giỏi, tiêu biểu của thị xã Gò Công. Khi hỏi về bí quyết thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, Đại tá Đỗ Văn Riều - Chủ tịch Hội CCB thị xã Gò Công vui vẻ cho biết:

- Từ xưa đời sống kinh tế người dân Gò Công, trong đó có hội viên CCB vốn khó khăn, vất vả, nên khi có chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn nào của cấp trên về làm kinh tế là chúng tôi đón nhận như “nắng hạn gặp mưa”. Điển hình như Nghị quyết 09 của BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam về “Chăm lo đời sống hội viên và tổ chức động viên CCB tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được Ban Thường vụ Hội CCB thị xã triển khai rộng khắp, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Tổ Giúp nhau thoát nghèo là một điển hình; hoạt động theo phương châm “không cho cá, mà cho cần câu và hướng dẫn cách câu”, sau 5 năm (2016-2021), đã xóa được 34 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo (hiện còn 3 hộ); hộ CCB giàu tăng từ 235 hộ (năm 2016) lên 422 hộ (năm 2021)…

Bài và ảnh: Lê Hồng Lâm