Hiện số người ở độ tuổi lao động khoảng 45 triệu người, nhưng còn tới hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia bảo hiểm. Chúng ta có chính sách BHXH tự nguyện, nhưng mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp, nên khó đi vào cuộc sống.
Việc đẩy mạnh cải cách để BHXH thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đang trở thành vấn đề bức thiết. Trong phát biểu Bế mạc Hội nghị lần thứ 7, BCH T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp. Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách BHXH sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn từ nay đến năm 2021: Phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội).
Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội.
Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội. Qua từng giai đoạn, tăng dần tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện từ 1% lên 2,5% và 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hội nghị T.Ư lần thứ 7 của Đảng khẳng định sự cần thiết phải phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững". Phải có ít nhất là 3 tầng, trong đó tầng 1 là lương hưu xã hội để phủ trên diện rộng, có sự đóng góp của NLĐ và hỗ trợ của ngân sách nhà nước để bảo đảm mọi người dân sẽ có thu nhập bằng lương hưu; tầng thứ 2 là lương hưu như hiện nay, nhưng phải bảo đảm đóng đủ theo thu nhập để người nhận có mức lương hưu cao hơn; và tầng 3 là lương hưu bổ sung thực hiện theo bắt buộc. Cũng cần phải sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, "đóng - hưởng", "chia sẻ". Số năm tham gia bảo hiểm để được hưởng lương hưu thay đổi theo hướng rút ngắn hơn, có thể là 15 năm như thông lệ thế giới, thay vì 20 năm như hiện nay, để người dân thấy việc nhận lương hưu không phải là tương lai quá xa xôi. Đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và khả năng. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách BHXH được xác định trong Đề án về cơ bản đã được Hội nghị T.Ư lần thứ 7 xem xét, nhất trí, sẽ được triển khai đi vào cuộc sống., đảm bảo BHXH trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới.
Mai Anh