Mồng tơi là loại rau bình dân, được nhiều người ưa chuộng trong những ngày hè. Theo Đông y, mồng tơi có vị chua ngọt, tính lạnh, không độc, dân gian thường dùng rau mồng tơi làm rau ăn cho mát, chống táo bón.
Để tham khảo và áp dụng những khi cần thiết, xin giới thiệu một số phương pháp sử dụng mồng tơi để chữa bệnh, đã được ghi chép trong sách thuốc cổ kim:
- Đại tiện táo bón: Dùng mồng tơi 500g, thêm mắm muối, tương, giấm, nấu thành món canh ăn trong bữa cơm; sau vài ngày đại tiện sẽ thông.
- Đại tiện xuất huyết kinh niên: Rau mồng tơi 30g, gà mái già 1 con (bỏ đầu, chân, nội tạng), hầm lên ăn; sau khi thịt gà chín, mới cho mồng tơi vào, nấu thêm 20 phút là được.
- Tiểu tiện không thông suốt, đái rắt, đái nhỏ giọt: Dùng rau mồng tơi tươi 70-100g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
- Chảy máu mũi do huyết nhiệt: Dùng mồng tơi tươi giã nát, dùng bông thấm nước cốt, nhét vào lỗ mũi.
- Ngực bồn chồn, đầy tức: Rau mồng tơi 60g, sắc lấy nước đặc, hòa thêm chút rượu trắng vào uống, uống ấm.
- Khớp xương tay chân đau nhức do phong thấp: Rau mồng tơi cả cây 50-100g, móng chân giò 1 cái, hầm với nước và rượu cho chín, làm món ăn trong bữa cơm hàng ngày.
- Chữa bỏng: Dùng mồng tơi tươi, giã nát, lấy nước bôi lên chỗ da bị bỏng.
- Lợi sữa: Phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, thường ăn rau mồng tơi, sữa sẽ nhiều.
- Chữa đinh nhọt: Dùng lá rau mồng tơi tươi, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, ngày thay thuốc 2-3 lần.
- Ban xuất huyết: Mồng tơi 100g, mã lan 50g, tề thái 25g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Hải Tiến