Các xe hàng đang ùn tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn.

Khi những đoàn xe chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc chờ thông quan lên đến con số hàng nghìn đã một lần nữa thúc giục cần có giải pháp đồng bộ và căn cơ để giải quyết tình trạng này.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Tình trạng hàng đoàn xe chở hoa quả ùn tắc ở cửa khẩu mỗi khi Trung Quốc xiết chặt kiểm soát hàng hóa hoặc mỗi khi vào vụ thu hoạch, xe hàng đổ về cửa khẩu gia tăng đã xảy ra từ lâu. Và không ít lần nước mắt người nông dân đổ dài theo những đoàn xe ùn tắc tại cửa khẩu, hàng tấn hoa quả phải đổ bỏ, còn doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên.

Các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc đã mở rộng vùng đệm, tăng cường kiểm soát sớm để hạn chế việc xuất hiện F0 tại khu vực cửa khẩu, tuy nhiên phía nước ta vẫn khá bị động vì Trung Quốc cứ tùy tình hình của họ mà thông báo “đóng - mở” bất kỳ lúc nào.  

Ví dụ những quy định mới ở Lệnh 248: “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài”; Lệnh 249: “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, khiến xuất khẩu nông sản và thực phẩm của nước ta vào Trung Quốc càng gặp thêm khó khăn. Nhất là hiện nay Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid”, nên càng siết chặt kiểm dịch Covid-19 với hàng hóa nhập khẩu, càng kéo dài thời gian chờ đợi, xếp hàng chờ thông quan, mặt hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả lại càng đối diện với rủi ro.  

Đó là chưa nói, Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu hoặc áp dụng các biện pháp khống chế tạm thời với hàng hóa hoặc phương tiện chở hàng dương tính với virus Sars-CoV-2. Năm 2021, đã có một số lần Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam trong vài tuần. Còn ngày 12-2-2022, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cảnh báo đã phát hiện virus Sars-CoV-2 trên xe chở thanh long và tinh bột sắn. Họ cảnh báo, nếu còn phát hiện trường hợp dương tính với virus sẽ áp dụng biện pháp quản lý khống chế tạm thời đối với hàng hóa thực phẩm đông lạnh và trái cây, nhất là quả thanh long của Việt Nam.

Để không còn tình trạng xe ùn tắc ở cửa khẩu, ai cũng thấy là cần phải thay đổi. Vậy thay đổi thế nào? Ai cũng thấy phải có những giải pháp đồng bộ và căn cơ. Vậy đó là những giải pháp nào?  

Thay đổi đầu tiên là thay đổi nhận thức của bên có hàng: “Thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khó tính hơn. Trung Quốc đang yêu cầu cao hơn. Và có thể sẽ còn yêu cầu cao hơn nữa” - ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư nhiều lần nhấn mạnh như thế.

Trước tình hình trên, lẽ ra từ người nông dân đến doanh nghiệp phải chủ động áp dụng các quy trình, biện pháp bảo đảm sản xuất an toàn, quản lý chất lượng an toàn, đến tiêu chuẩn bao bì “sạch Covid-19”. Nhưng đáng tiếc, đến nay người sản xuất, vận chuyển hàng hoá vẫn “án binh bất động”, nên mặc dù ở cấp nhà nước, các cơ quan của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cường đối thoại, đàm phán, thống nhất quy trình thủ tục để tháo gỡ, nhưng không mang lại hiệu quả.

Ta cũng có hướng mở rộng thêm thị trường khác, ví dụ như xuất khẩu thanh long sang Úc. Nhưng Úc cũng thế, “cái gốc vẫn là chất lượng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn phòng, chống dịch” - ông Dương nói.  

Con đường chính ngạch và doanh nghiệp đủ mạnh

Gợi mở những giải pháp căn cơ và lâu dài, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng một mặt vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái (thực chất là doanh nghiệp nhỏ) thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác để tránh tình trạng mua - bán, được chăng hay chớ.

Mặt khác rất cần có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đủ mạnh, những doanh nghiệp đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước bạn, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm. Lúc đó, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu nông sản vào nền nếp.

Để làm được theo quy trình trên, không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái. Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương; xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ một khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn.

Chỉ có chính quyền mới có thể đứng ra tập hợp các nông dân, thương lái; chỉ có chính quyền mới kêu gọi được các doanh nghiệp chung tay cùng nông dân và mời chuyên gia hướng dẫn cho người nông dân, thương lái phải đóng gói thế nào, thực hiện truy xuất nguồn gốc ra sao...

Đồng thời, việc cấp bách nữa là giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. Như vậy vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm vừa giảm bớt thời gian, quy trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu; đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu.  

Hiện nay Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, là xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Nghĩa là chỉ 9 loại trái cây đó mới được nhập khẩu chính ngạch qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn những loại khác buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ. Đây là những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi phía bạn xiết chặt kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra.  

Làm được những việc như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ không còn ùn tắc, xuất khẩu sẽ dần trở thành chính ngạch, bớt đi những giọt nước mắt, những tiếng thở dài của người nông dân và nỗi vất vả đứng ngồi không yên của doanh nghiệp mỗi khi nông sản vào vụ hay khi phía bạn thay đổi thủ tục, biện pháp thông quan.

TS. Phạm Hoài Phi