
Những dãy núi đá trùng điệp đã bao đời nay bao bọc, che chở cho thôn xóm thì nay vô hình lại trở thành vỏ bọc giữ tiếng ồn và bụi bặm ở lại. Tới đây, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là bụi bám đầy cây cối, con đường nhựa lỗ chỗ ổ gà, ổ trâu và những khối núi mỏng vẹt, nham nhở đang được khai thác dở dang.
Không biết các cơ quan chức năng có nghiên cứu kỹ về quy trình sản xuất và lợi ích đem lại nhưng bà con xóm Dụt rất bức xúc với việc khai thác núi đá vôi của một số công ty; nhất là gần đây Công ty cổ phần khai thác đá xây dựng Lương Sơn sử dụng máy lớn để nổ mìn, tiếng nổ đinh tai kèm theo đất đá văng vào nhà làm vỡ mái, vỡ cửa kính, làm rạn nứt tường nhà. Bà Nguyễn Thị Lâm Cúc, 66 tuổi, có nhà cách nơi khai thác đá khoảng 300m, chỉ cho chúng tôi mái nhà bị chắp vá chằng chịt bởi đủ loại vật liệu, mảng tường rạn nứt và cửa kính bị vỡ của gia đình. Bà cho biết: “Ngày 20-10 vừa rồi, sau nhiều lần kiến nghị không được, chúng tôi phải kéo nhau lên máng đứng yêu cầu Công ty cổ phần đá Lương Sơn không sản xuất quá 22 giờ đêm như đã cam kết với bà con thì công ty mới chịu dừng”. Quả thực, tiếng máy nghiền đá, tiếng đá đổ từ những thùng xe ầm ầm từng đợt vào ban đêm được cộng hưởng bởi núi đá bao quanh khiến âm thanh đó vượt quá sức chịu đựng của con người. Thiệt thòi nhất là trẻ nhỏ vì đó là giờ nghỉ ngơi và học hành của các em. Bà Cúc còn cho biết thêm: “Xe chở đá của các công ty đều không được che đậy nên những tảng đá lớn rơi xuống đường, có khi còn rơi cả vào người đi đường”.
Sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề, rất nhiều người dân xóm Dụt bị mắc bệnh gan, bệnh phổi mà âm thầm chịu đựng. Từ đầu năm tới nay, đã có 7 người chết vì bệnh gan và còn nhiều người bệnh nặng cũng khó qua khỏi. Dòng suối Bai Ràng trước đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng nề. Ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Vinh buồn bã nói: “Tôi lớn lên nhờ nguồn nước suối trong lành này, nhưng giờ thì không ai dám dùng nó nữa. Ngoài những công ty khai thác đá, còn có một công ty khoáng sản gì đó của Hàn Quốc, chỉ thấy họ mang đất ở đâu về dùng hoá chất xử lý rồi chứa trong một cái hồ không xây kè, thỉnh thoảng thấy mang đi đổ một loại bùn nhão màu đỏ có mùi rất khó chịu. Mưa xuống, nước cuốn theo bùn ở đây chảy ra sông suối, ruộng đồng”.
Chúng tôi tới gặp ông Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Tân Vinh để hỏi về ý kiến và giải pháp của chính quyền trong việc giải quyết ô nhiễm cho bà con xóm Dụt. Với một “tinh thần khách quan”, ông trả lời: “Các công ty đã thực hiện đầy đủ cam kết rồi. Không có chuyện làm quá giờ quy định đâu. Đá rơi ra đường là chuyện không thể tránh được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị lên trên ra quyết định thành lập khu công nghiệp tại đây, nhưng ý kiến của chúng tôi như “con kiến” vậy. Xã ở đây không có quyền quản lý các công ty này”. Qua câu trả lời của người đại diện cho chính quyền, chúng tôi hiểu tại sao bà con lại ví “đơn của làng này thì một người yếu gánh không nổi”.
Người dân xóm Dụt đang sống trong một môi trường ô nhiễm chồng ô nhiễm. Ông Bùi Văn Tiến, trưởng xóm Dụt cho biết: “Bà con trong xóm đa phần là đồng bào dân tộc Mường, luôn ủng hộ những chính sách phát triển kinh tế của chính quyền địa phương. Nhưng với tình hình khai thác đá hiện nay, bà con rất bức xúc mà không biết kêu ai”. Việc di dời dân ra khỏi vùng khai thác là một biện pháp giải quyết triệt để, hiệu quả và được nhiều bà con đồng tình ủng hộ, nhưng lại vấp phải một số vấn đề quyết định từ chính quyền và các cơ quan chức năng. Đặc biệt, việc khai thác núi đá vôi quá nhiều là một trong những nguyên nhân chính gây ra trận lụt lịch sử tại một số tỉnh miền Trung vừa qua.
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cần có biện pháp hợp lý, kết hợp hài hoà hai yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường giúp đỡ người dân xóm Dụt thoát khỏi cảnh ô nhiễm.
Bài và ảnh: HỒ HƯƠNG