Trong quá trình phát triển KTXH và hội nhập quốc tế những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa hết sức lớn lao. Với khu vực Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam kỷ niệm 20 năm gia nhập ASEAN và tích cực chuẩn bị mọi mặt cùng các nước trong khu vực thành lập và đưa Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động.
Việt Nam có nhiều thế mạnh tự nhiên so với các nước trong khu vực với diện tích 331.000km2, dân số 90 triệu người… Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong những năm qua, về kinh tế, đất nước đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. So sánh với năm 1995 là năm Việt Nam gia nhập khối ASEAN, GDP cả nước mới đạt 20,8 tỷ USD, đứng thứ 7 trong khối các nước ASEAN. Đến năm 2012, GDP đạt 155,3 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 6, tốc độ tăng GDP thời kỳ 1995-2012 đạt 6,89%, thuộc loại cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 1995 đạt 289 USD, đứng thứ 10 trong ASEAN thì năm 2012 đã đạt 1.749 USD vượt lên đứng thứ 7; thứ bậc về tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong GDP đã tăng từ thứ 4 lên thứ 3; về công nghiệp, xây dựng tăng từ thứ 7 lên thứ 5; Việt Nam có tỷ lệ tích lũy/GDP đạt 27,2% thuộc loại cao so với các nước trong khu vực…
Những con số trên cho thấy, sự cố gắng phấn đấu của cả nước đã đạt được nhiều kết quả to lớn, được ghi nhận. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì chúng ta còn không ít khó khăn. Về tỷ lệ, kết quả đạt được của Việt Nam so với các nước trong ASEAN năm 2012 đều cao hơn năm 1995, song về mức chênh lệch tuyệt đối thì số liệu của nước ta còn khá khiêm tốn khi các nước khác trong khu vực có con số tuyệt đối lớn hơn khá nhiều (GDP bình quân đầu người nước ta đạt 1.749 USD thì Xin-ga-po đạt 52.052 USD, Ma-lai-xi-a đạt 10.932 USD, Phi-lip-pin đạt 2.587 USD…). Nhiều thách thức lớn đang đặt ra khi năm 2015, Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC) mà Việt Nam là thành viên đi vào hoạt động. Nước ta có tỷ lệ giữa thu nhập quốc gia/GDP ở mức thấp là 95,6%, đứng thứ 7, tổng dự trữ quốc tế năm 2012 thấp (chỉ đạt 25,57 tỷ USD), năm 2014 đạt trên 35 tỷ USD đứng thứ 6; tỷ lệ giữa xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP năm 2012 đạt 80% thuộc loại cao nhưng xuất khẩu dịch vụ còn nhỏ, nhập siêu trong lĩnh vực này còn lớn. Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, bình quân đầu người của chúng ta đã tăng và thuộc loại cao so với các nước trong khối nhưng tỷ trọng hàng là nguyên liệu thô, hàng nông sản chưa qua chế biến còn cao, tính gia công lắp ráp còn lớn nên giá trị gia tăng thấp… Đây là những hạn chế, khó khăn rất lớn của nền kinh tế nước ta hiện nay trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo chương trình, năm 2015 này, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và đi vào hoạt động với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên gắn với thúc đẩy, tự do luân chuyển hàng hóa dịch vụ, đầu tư và lao động; cùng với các cơ hội, chúng ta sẽ gặp không ít các thách thức như hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN với mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, giá rẻ; nếu không tự nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa và dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm thì nước ta sẽ thành thị trường tiêu thụ hàng các nước, không thúc đẩy được sản xuất của chính mình. Đây là áp lực cao buộc mỗi người sản xuất, mỗi doanh nghiệp và các cấp chính quyền vượt qua.
Thành tích lớn và thách thức cũng không nhỏ nhưng chúng ta nhất định sẽ vượt qua bằng chính nỗ lực của mình.
Dương Ngọc