Các vấn đề xung quanh những sai phạm của Công ty (Cty) Thế Anh tại thị trấn Phú Thái, suốt hơn một năm qua, báo chí đã phản ánh phân tích kỹ lưỡng những sai lầm khi tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh. Tuy nhiên, không quan tâm tới điều đó, ngày 4-10-2010, UBND tỉnh Hải Dương vẫn dựa vào kết quả của Đoàn kiểm tra Sở TN & MT ra kết luận giải quyết đơn thư tố cáo của một số công dân thị trấn. Kết luận này đã gây ra sự bức xúc mạnh mẽ trong nhân dân. Phóng viên Báo CCB Việt Nam đã về tìm hiểu và làm rõ vấn đề này.
Kiểm tra “quên” làm việc với cơ sở?
Kết luận của tỉnh Hải Dương đã bác bỏ hầu hết những điều tố cáo trong đơn của các công dân thị trấn. Duy có một điều kết luận cho rằng tố cáo có cơ sở là việc chính quyền và nhân dân thị trấn Phú Thái không biết về dự án của Cty Thế Anh, nhưng lại đổ cho là vì Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái Lê Văn Minh sau khi tham dự hội nghị để thống nhất một số nội dung Dự án của Cty Thế Anh, đã không báo cáo với chính quyền.
Có lẽ trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra “quên” làm việc với Huyện ủy Kim Thành nên không biết rằng Kết luận số 334 ngày 14-10-2009 của Ban thường vụ Huyện ủy Kim Thành nêu rõ: *Cty Thế Anh lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy, kinh doanh cầu cảng trên diện tích đang hợp đồng lập bến bãi tạm thời với UBND thị trấn Phú Thái mà không xin ý kiến cấp ủy, chính quyền địa phương là vi phạm quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện Kim Thành, vi phạm quy chế làm việc của thị trấn Phú Thái. *
Như vậy đến Đảng ủy và chính quyền huyện mãi hàng năm sau mới biết có dự án thì sao lại đổ cho vì ông Minh không báo cáo. Chúng tôi đã làm việc với ông Minh và được biết, ngay sau khi dự cuộc họp thông báo về dự án của Cty Thế Anh ngày 2-5-2008, vào ngày 5-5-2008, tại cuộc họp thường trực UBND thị trấn, ông Minh đã báo cáo việc này và trong sổ tay của ông Minh còn ghi rõ ý kiến của các Phó chủ tịch UBND thị trấn Đỗ Cao Trường và Dương Văn Long, Trưởng công an Vũ Thái Trọng đều không chấp nhận dự án của Cty Thế Anh và đề nghị phải kiến nghị lên trên.
Một điểm nữa khẳng định Đoàn kiểm tra “quên” làm việc với cơ sở là kết luận không công nhận việc tố cáo Cty Thế Anh vi phạm mồ mả (trong khi chính Giám đốc Cty Thế Anh Phạm Văn Thanh đã ký nhận vi phạm trong biên bản do chính quyền thị trấn Phú Thái lập ngày 2-6-2009), đó là, ngày 21-9-2010 vừa qua, UBND thị trấn Phú Thái đã có Công văn số 11/CV-UBND khẳng định: *Vụ việc đêm 15-1-2008, ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh dịch vụ thương mại Thế Anh cho máy xúc đào bốn ngôi mộ tại nghĩa trang thôn An Thái làm vỡ tiểu sành có xương cốt ở trong, sau đó mang ra chân đê chôn lấp qua loa. Qua kiểm tra, nội dung nêu trên là có thật. *
Phù phép hô “biến” khiến sai thành không sai
Kết luận cũng khẳng định việc tố cáo Cty Thế Anh vi phạm luật xây dựng, luật đê điều khi dựng cột điện trong hành lang bảo vệ đê là sai.
Thực tế, trong biên bản do Hạt quản lý đê Kim Thành và chính quyền thị trấn Phú Thái lập ngày 15-1-2008, cho thấy các cột điện của Cty Thế Anh đã vi phạm hành lang bảo vệ đê và yêu cầu phải tháo dỡ ngay 3 cây cột điện. Việc này chính ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Cty Thế Anh đã ký biên bản thừa nhận.
Kết luận của tỉnh Hải Dương không xem xét tới việc mãi tháng 5-2008, Cty Điện lực Hải Dương mới cho phép Cty Thế Anh lập trạm biến áp (theo hồ sơ của Cty Thế Anh cung cấp), trong khi ngay từ tháng 1-2008, Cty đã tiến hành xây dựng trạm biến áp và dựng các cột điện. Điều này rõ ràng Cty Thế Anh đã vi phạm luật xây dựng vì thời điểm đó chưa được phép.
Để có thể bác bỏ việc tố cáo một sự thực mà chính người vi phạm đã công nhận, kết luận của tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, tại thời điểm kiểm tra, thiết kế đê năm 1997 không còn phù hợp bởi vùng trũng khiến đê phải có một cơ đê bảo vệ rộng 8,5m đã được nhân dân san lấp tạo đường đi vào nghĩa trang vì vậy cơ đê là không còn phải tính đến. Như vậy hành lang bảo vệ đê tự nhiên phải tính từ chân đê và đã co lại so với trước một khoảng chính bằng cơ đê. Cách tính này khiến các cột điện của Cty Thế Anh lập tức nhảy ra ngoài hành lang bảo vệ đê và phủ nhận luôn biên bản ngày 15-1-2008 nêu trên. Có lẽ tỉnh Hải Dương đã lờ đi một thực tế là thời điểm chôn cột điện của Cty Thế Anh, cơ đê vẫn còn cần thiết nên việc vi phạm hành lang đê là hoàn toàn có thực. Con đường vào nghĩa trang, mãi tới cuối năm 2008, nhân dân mới đóng góp, phun cát lấp bớt một đoạn vùng trũng bằng với mặt cơ đê. Như vậy chỉ một câu hô “biến”, vi phạm hành lang bảo vệ đê của Cty Thế Anh đã được tỉnh phù phép trở thành không vi phạm.
Biện pháp “gọt chân cho vừa giày”
Kết luận của tỉnh Hải Dương cũng cho rằng dự án của Cty Thế Anh có sự chồng chéo về phạm vi lập bến bãi. Tuy nhiên lại cho rằng Quyết định (QĐ) 953 ngày 21-3-2008 của UBND tỉnh gây ra sự chồng chéo với QĐ 162 ngày 13-1-2004 cũng của tỉnh. Được tham khảo ý kiến, nhiều chuyên gia luật khẳng định, QĐ 953 chỉ là QĐ cho phép Cty Thế Anh lập bến bãi tạm thời theo Hợp đồng 05 giữa UBND thị trấn Phú Thái với Cty Thế Anh trong thời hạn 5 năm, đến năm 2012. Gây ra việc chồng chéo chính là QĐ 4778/QĐ-UBND ngày 16-12-2008 của Chủ tịch tỉnh Hải Dương chấp thuận dự án thuê đất 50 năm của của Cty Thế Anh. Dự án mới này chồng chéo với QĐ 162 cho phép thực hiện dự án của ông Đặng Đức Chúc có thời hạn 30 năm.
Dự án của Cty Thế Anh còn bất khả thi ở chỗ việc kinh doanh cầu cảng trong dự án lại không có vùng nước. Theo QĐ số 211/QĐ-CĐS của Cục Đường sông Việt Nam ngày 7-4-2008 công bố, Cảng thủy nội địa Phú Thái, ông Chúc được sử dụng diện tích mặt nước dọc theo sông Kinh Môn chiều dài 250m làm chỗ neo chờ xếp dỡ hàng. Nếu thực hiện dự án của Cty Thế Anh, Cảng thủy nội địa Phú Thái sẽ bị phân tách thành 3 đoạn. Vùng nước của Cty Thế Anh sẽ lọt thỏm vào giữa vùng nước của ông Chúc và Cty Thế Anh sẽ không có vùng nước neo đậu cho các phương tiện thủy. Còn vùng nước của ông Chúc bị tách làm hai đoạn. Các phương tiện sau khi neo đậu, muốn vào sâu cảng của ông Chúc phải đi qua cảng của ông Thanh, nếu không muốn đi trái sang luồng bên kia sông, vi phạm luật giao thông. Còn các phương tiện thủy muốn vào cầu cảng của Cty Thế Anh đã không có chỗ neo đậu mà còn phải qua một phần vùng nước của ông Chúc. Những bất hợp lý này chắc chắn nếu thực hiện sẽ gây mất ổn định và tranh chấp thường xuyên giữa hai bên, đồng thời gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng trong khu vực cảng thủy nội địa.
Người xưa vẫn có câu “gọt chân cho vừa giày”. Giày đóng sai, không sửa lại nhăm nhe cắt chân đi cho vừa. Quyết định 4778 cho phép lập dự án của Cty Thế Anh cũng tương tự một chiếc giày đóng sai. Thứ nhất, theo ý kiến của luật sư, QĐ này là sai thẩm quyền vì lẽ ra thẩm quyền cho thuê đất lập dự án phải là của UBND tỉnh, nhưng QĐ 4778 lại do Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương ký thay Chủ tịch tỉnh chứ không phải Chủ tịch tỉnh thay mặt UBND tỉnh ký, tức là đây là QĐ của Chủ tịch tỉnh. Thứ hai, QĐ này có sự chồng chéo với QĐ 162 đã ra trước đó. Thứ ba, QĐ 4778 cho phép lập một dự án không có tính khả thi, vì Cty Thế Anh không có vùng nước thì không thể kinh doanh cầu cảng được.
Lẽ ra những sai sót của QĐ 4778 cho phép thực hiện dự án của Cty Thế Anh phải được sửa chữa thì không, kết luận của tỉnh Hải Dương lại tìm đến giải pháp thay đổi lại những QĐ hợp lý và đang được thực hiện có hiệu quả là QĐ 162 của tỉnh Hải Dương đã ra trước đó và QĐ 211 của Cục Đường sông Việt Nam, tức là tìm cách “gọt bớt chân”.
Phản ánh sự việc qua bài này, Báo CCB Việt Nam rất mong lãnh đạo chính quyền tỉnh Hải Dương quan tâm tới dư luận nhân dân, xem xét lại sự việc một cách thấu đáo để ra quyết định hợp tình, hợp lý, đem lại sự ổn định tại địa phương.
NHÓM PV XÃ HỘI