Thượng tướng Trần Văn Quang sinh năm 1917, tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Được biết, ông là em trai nhà hoạt động cách mạng Trần Văn Cung (1906-1977), người Bí thư đầu tiên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam có trụ sở tại số nhà 5D Hàm Long - Hà Nội. Ông cũng có người em là cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Được truyền thống của quê hương và gia đình nâng bước, năm 1935, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10-1936. Trong cao trào cách mạng những năm 1938-1939, ông là Thànhủy viên Sài Gòn-Chợ Lớn, hoạt động cùngđồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong phong trào công nhân xe lửa, thợ thủ công và bị thực dân Pháp bắt giam. Tháng 10-1940, vượt ngục, ông được giao tổ chức lại Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Tháng 4 năm 1941, ông bị bắt giam lần thứ hai, bị kết án tù chung thân và đẩy đi Buôn Ma Thuột. Tinh thần chiến đấu kiên trung của ông đã làm cho địch khiếp sợ khi ông hiên ngang hô khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm", ngay trước họng súng của bọn cai ngục. Và cũng do tinh thần kiên trung của ông, mà một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Lê Duẩn bị giam cầm tại đây không bị lộ và không bị địch hành quyết. Tháng 6-1945, được trả tự do, ông tham gia Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nghệ An trên cương vị Tỉnhủy viên phụ trách quân sự. Gia nhập quân đội, năm 1945, ông được phân công giữ chức Chínhủy Bộ chỉ huy Tiếp phòng quân Trung ương. Với kiến thức và năng lực của mình, ông đã cùng cơ quan làm việc và đấu tranh có hiệu quả với địch, giữ vững nguyên tắc mà tổ chức Tiếp phòng giao cho. Hoàn thành nhiệm vụ tiếp phòng, tháng 11-1946, ông được giao giữ chức Chínhủy Quân khu 4; năm 1948-1949, Chỉ huy trưởng kiêm Chínhủy Phân khu Bình-Trị-Thiên. Tháng 5-1950, khi Đại đoàn 304 được thành lập, ông là người giữ chức Chínhủy và Bí thư Đại đoàn đầu tiên.
Thượng tướng Trần Văn Quang là người học rộng, ham hiểu biết vàgiỏi tiếng Trung, tiếng Pháp. Chính nhờ vốn kiến thức đó mà khi được giao phụ trách và sau đó giữ chức Cục trưởng Cục Địch vận, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, vận động binh lính địch bỏ vũ khí đi theo kháng chiến và cách mạng.
Tháng 8-1953, trước tình hình Pháp mở rộng chiến tranh và triển khai thực hiện kế hoạch Na-va, ông được giao giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt chuyên trách chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên cương vị Trưởng ban Tác chiến chiến dịch bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã cùng Bộ Tổng Tư lệnh và cơ quan tham mưu có nhiều ý kiến đóng góp về chiến thuật, chiến dịch; có nhiều quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình tác chiến trên chiến trường, góp phầnlàm nênthắng lợitrong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Năm 1959, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến, ông đã dành nhiều tâm huyết, suy nghĩ cho việc xây dựng cơ quan tác chiến Bộ Tổng Tham mưu theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến trước cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra.
Năm 1961, trong khi đang theo học quân sự ở nước ngoài, trước tình hình mới của cách mạng, ông về nước và theo Đoàn Phương Đông, được lệnh bí mật vào Nam, chuẩn bị cho việc xây dựng LLVT cách mạng miền Nam. Khi Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền được thành lập, ông được giao nhiệm vụỦy viên Trung ương Cục miền Nam, phụ trách quân sự. Ông là người đặt nền móng cho việc xây dựng cơ quan quân sự và LLVT Miền trong những năm đầu đánh Mỹ.
Trong những năm khói lửa ác liệt trên tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc, năm 1965, ông nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 4, Bí thư Khuủy kiêm Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên những năm 1966 đến 1973. Trong những năm này, mảnh đất “Bình-Trị-Thiên đau thương và khói lửa”, tuyến đầu chống Mỹ, là vùng đất lửa liên tục phải chống chọi với kẻ thù xâm lược. Ông và Bộ tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các LLVT, phối hợp với lực lượng chủ lực của Bộ tăng cường, tổ chức và thực hiện nhiều chiến dịch quan trọng có tính chiến lược như Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Đường 9-Nam Lào năm 1971, tiến công Trị-Thiên năm 1972, làm phá sản các kế hoạch chiến lược của địch…
Hơn 70 năm hoạt động, Thượng tướng Trần Văn Quang đã trải qua, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc và đất nước. Hoạt động trong thời kỳ bí mật cũng như khi đảm đương những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho trong chiến tranh, Thượng tướng đã thể hiện một lòng trung kiên với Đảng, với Tổ quốc. Trong lao tù cực hình của thực dân, đế quốc, không nao núng tinh thần, giữ vững khí tiết người cộng sản. Với cương vị người Chính ủy, người Tư lệnh, ông đã thể hiện tài năng cầm quân của mình cả về chính trịvà quân sự, có nhiều quyết sách để xây dựng cơ quan, xây dựng quân khu, xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Hoạt động trên cương vị nào, mặt trận nào, ở hậu phương cũng nhưnơi tiền tuyến, ở trong nước cũng như khi làm nhiệm vụ quốc tế, trong nhiệm vụ chiến đấu, công tác thời chiến tranh cũng như khi đất nước hòa bình, Thượng tướng Trần Văn Quang luôn tỏ rõ đức độ, tài năng của mình, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quân đội và sự nghiệp quốc phòng, được nhân dân quý trọng.
Thượng tướng Trần Văn Quang là nhân chứng lịch sử, là kho tư liệu sống về tình đồng chí, đồng bào và đồng đội. Thượng tướng Trần Văn Quang là mẫu mựcvề sự khiêm tốn với bản thân, hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng đội; là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ học tập và noi theo. Xin thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh vị lão tướng tài năng, đức độ của Quân đội ta - người suốt đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình.
(Theo QĐND)