Những lá thư thời chiến.

Tháng 6-1965, tôi là chiến sĩ Sư đoàn 3, Quân Giải phóng, giữ súng chống tăng B40, tham dự trận phục kích trên đường 7b (nay là tỉnh lộ 25), đoạn từ Ba-lá đến Ai Nu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Phương án tác chiến là chờ quân địch từ tỉnh Phú Yên lên cứu viện cho quận lỵ Thuần Mẩn vừa bị quân ta tiến công làm chủ (trong quân sự gọi là hình thức tác chiến “Đánh điểm, diệt viễn”). Trận địa phục kích được bố trí trong khu rừng phía bắc đoạn đường sát bờ sông Ba, mượn sông Ba làm lá chắn, không cho địch chạy dạt về phía Nam khi ta tiến công...

Nằm chờ địch hằng tuần lễ giữa rừng khộp thưa thớt, nóng bỏng mà địch vẫn chưa xuất hiện. Ngày nào cũng cơm vắt, muối lạc và một bi-đông nước đun sôi do anh nuôi đơn vị từ phía sau đưa tới. Tất cả những người lính trận không được rời vị trí. Buổi tối, mội người gom lá khô rải cạnh cửa hầm, sau đó trải võng lên nằm. Nỗi nhớ bạn học trong tôi trỗi dậy sao mà da diết. Các bạn cùng lớp 10D, Trường cấp 3 Đô Lương của tôi nhập ngũ lần này có tôi, quê Trung Sơn, anh Nguyễn Duy Thị, quê Hội Sơn và Đặng Quang Doãn, quê Phúc Sơn...

Nhẩm tính xa trường đã gần 2 năm (chúng tôi nhận Bằng tốt nghiệp cấp 3, tháng 7-1963). Nhớ nhất là những nhóm bạn học giỏi Văn, Toán Lý do sáng kiến của thầy chủ nhiệm Lê Phan Di và thầy Cao Tiến Cởn lập ra nhằm tạo điều kiện cho học sinh phát huy hết năng lực. Những nhóm ấy chúng tôi thường được các thầy tìm đề bài thi học sinh giỏi miền Bắc để chúng tôi làm.

Tôi được thầy xếp vào loại khá giỏi cả Văn, Toán, Lý nên nhóm nào cũng được tham gia. Nhóm Văn có Dương Quang Minh, Nguyễn Duy Hồng, Nguyễn Thị Nguyên. Nhóm Vật Lý có Hoàng Xuân Lượng, Nguyễn Vãn Thân, Dương Trọng Hải. Nhóm Toán có Vương Đãng, Nguyễn Vãn Ngơn, Ngô Văn Du... Tất cả giờ này đang ở giảng đường đại học. Còn mình vẫn đang nằm đất dầm sương, ăn cơm vắt, uống nước lã, ngắm sao trời… Có điều, đã chấp nhận ra chiến trường thì không một ai tính toán sự sống chết của riêng mình. Nếu hy sinh thì coi đó là một cống hiến, nếu còn sống thì tiếp tục chiến đấu. Lòng tự dặn lòng không thể làm điều gì tổn hại danh dự người đảng viên (tôi được kết nạp Đảng trước khi vào bộ đội), không để ảnh hưởng tới khí chất con người Xứ Nghệ, danh dự của một học sinh cấp 3 Đô Lương.

Tôi còn nhớ, những ngày huấn luyện và rèn luyện ở miền tây tỉnh Quảng Bình cuối năm 1964 trước khi vào chiến trường miền Nam, anh Dương Quang Minh, lớp trưởng, người giỏi vãn nhất lớp, đã gửi cho tôi cuốn “Thi nhân Việt Nam” (loại sách lúc bấy giờ, chỉ ở Đại học Tổng hợp Văn mới có) cùng với lời nhắn gửi: Chúc bạn Tích thân mến luôn xứng đáng là một trong những học sinh giỏi của Trường cấp 3 Đô Lương. Hẹn gặp ở giảng đường đại học! Lời nhắn ấy luôn là sự nhắc nhở vô hình có sức nặng ngàn cân.

Bởi vậy, trong những ngày phục kích chờ địch, mỗi buổi chiều muộn, biết địch sẽ không còn hành quân, tôi lại tranh thủ ghi nhật ký. Không chỉ vì yêu văn thơ mà còn thầm nuôi ước mơ, sau này, nếu còn sống thì có tư liệu, có hồn cốt để có thể viết, một tác phẩm nào đó về cuộc chiến tranh này. Xin trích vài đoạn nhật ký ấy:

Ngày 7 tháng 6 (1965): Buồn vô kể, bốn ngày nay bỗng dưng lại sốt, không ăn uống được gì, toàn thừa nước miếng. Nhấm cái gì vào miệng cũng nôn mửa. Toàn thân nôn nao, khi nóng bừng, khi lạnh thâu sống lưng. Sáng nay đi vệ sinh về được nửa đường bỗng tối sầm mặt mày, vừa níu được vào gốc cây thì gục xuống. May có trung đội phó Tựu đi qua dìu về công sự. Các đồng chí thủ trưởng đều lo cho tôi. Một xạ thủ B40 mà không xuất trận được là một thiệt thòi cho đơn vị. Người này đến an ủi, người khác đến động viên. Chính trị viên đại đội Trần Khắc Toán (người xã Công Thành, huyện Yên Thành) đặt tay lên trán tôi, khẽ nói: “Thật tội! Cứ sốt đi, sốt lại mãi không chịu buông tha. Rất thông cảm với em, nhưng đây chỉ mới bắt đầu cuộc chiến. Dân “quê choa” không được gục ngã đâu đấy!”. Chỉ một câu chia sẻ thế thôi mà xóa mọi ngăn cách trên dưới, chan chứa tình đồng đội, tình quê hương... Tôi không thể phụ những tấm lòng như vậy được. Phải quyết gượng dậy thôi...

Ngày 10 tháng 6 (1965): Trời bỗng đổ mưa. Biết chắc dịch sẽ không hành quân (vì máy bay không hoạt động được), đơn vị tổ chức đi lấy gạo (bởi chờ địch quá lâu, lương thực mang theo đã hết). Phải đi một ngày đường rừng giữa cơn giông. Mấy anh cán bộ Đại đội, Trung đội cũng đi. Các anh đều đã qua kháng chiến chống Pháp, tuổi quân xấp xỉ tuổi đời mình, vậy mà vẫn hăng hái. Mình phải lấy đó làm gương mà cố gắng...

Ngày 13 tháng 6 (1965): Di chuyển trận địa phục kích khoảng 2km về phía tây. Mấy hôm nay ít đi lại nên hai chân mỏi nhừ. Đường không dốc lắm mà thở không kịp. Mồ hôi túa ra từ đầu đến lưng. Tai ù ù. Cảm thấy yếu hẳn đi. Đáng lẽ ở lại phía sau thì hợp hơn, nhưng còn quyết tâm của Đại đội bảo đảm 100% quân số ra trận. Nghĩ vậy tôi cứ im lặng chịu đựng. May có anh Lê Bá Cảnh (người Nam Đàn) giúp đào cộng sự tại trận địa mới.

Nhật ký đại loại như vậy, thế mà thật đáng tiếc, do năng lực có hạn nên đến nay, tôi vẫn chưa làm được cái điều mình mơ ước. Có chăng, chỉ dăm ba cuốn sách ở thể loại ký sự. Sáu cuốn nhật ký trong 12 năm ở chiến trường miền Nam vẫn còn đó. Lượng sức mình, tôi không dám đặt bút viết “cái gì đó” mà khi xưa định làm. Đúng là “lực bất tòng tâm”.

Hôm nay viết những điều này, tôi thấy, sự may mắn nhất là mình còn sống sót. Với hơn 5.000 trận chiến đấu của Sư đoàn 3 - Sao Vàng chúng tôi trong 10 năm đánh Mỹ và 12 năm bảo vệ biên giới phía Bắc đâu phải là ít. Với hơn 18.000 liệt sĩ của Sư đoàn chúng tôi trong hai mặt trận ấy là một con số không nhỏ. Tôi không nghĩ mình tài giỏi hơn người mà quả thực, ngoài ý chí, nghị lực của bản thân còn có yếu tố may mắn. Riêng về ý chí, nghị lực, tôi phải cảm ơn Đảng, cảm ơn chế độ, cảm ơn sự rèn dạy của Trường cấp 2, cấp 3 Đô Lương, cộng với truyền thống gia đình, quê hương... Tất cả những giá trị ấy đã hòa quyện trong tôi thành bản năng và sức mạnh để vượt chông gai.

Quốc Tăng (st) từ cuốn “Nhớ về Đô Lương”

Nguyễn Văn Tích