Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh, các nước ngày càng coi trọng vai trò của cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế, nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu. Trong đó có vấn đề khủng bố quốc tế và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân; nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng.

Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh hạt nhân trong khi bảo đảm quyền phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình là mối quan tâm cao của nhiều quốc gia.

Mục tiêu chính của hội nghị là trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường an ninh hạt nhân, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân và đánh giá những tiến bộ đạt được từ Hội nghị lần thứ nhất (Hoa Kỳ năm 2010) và lần thứ hai (Hàn Quốc năm 2012).

Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Hay, Hà Lan lần này sẽ tập trung vào tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân và đánh giá tiến bộ đạt được kể từ hội nghị Thượng đỉnh tại Washington năm 2010. Qua đó, khẳng định lại cam kết về các mục tiêu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Đó là các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân sẽ không cản trở quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn chặn khủng bố, tội phạm và tất cả các đối tượng không được phép khác chiếm đoạt vật liệu hạt nhân để có thể dùng làm vũ khí hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác có thể được dùng cho các thiết bị phát tán phóng xạ.

Việc đạt được mục tiêu trên là một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới. Phát huy kết quả của các Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington và Seoul, hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra tại các hội nghị trước đều đã được thực hiện. Những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu này.

Trách nhiệm cơ bản của các Quốc gia liên quan đến nghĩa vụ của mình trong việc duy trì an ninh một cách hiệu quả, thường xuyên đối với các vật liệu hạt nhân và phóng xạ khác, kể cả các vật liệu hạt nhân được sử dụng trong vũ khí hạt nhân và các cơ sở hạt nhân do mình kiểm soát.

Điều này bao gồm các biện pháp thích hợp để ngăn chặn các chủ thể phi nhà nước có được các loại vật liệu - thông tin hoặc công nghệ nhạy cảm liên quan - có thể được sử dụng cho mục đích xấu và để ngăn chặn các hành động khủng bố, phá hoại.

Trong khuôn khổ này, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một hệ thống luật pháp và quy định mạnh về an ninh hạt nhân ở cấp quốc gia; Sự cần thiết phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.

Nhiều việc làm có thể được thực hiện thông qua Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tổ chức liên chính phủ và các sáng kiến khác, cũng như thông qua hợp tác song phương và khu vực...

Chính sách nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ủng hộ các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2010 và lần thứ hai tại Hàn Quốc năm 2012. Thực hiện cam kết của mình, Việt Nam tích cực tham gia và nỗ lực thực hiện những nội dung và biện pháp trong các Tuyên bố chung của các Hội nghị thượng đỉnh, bao gồm tăng cường khuôn khổ pháp lý và pháp quy về an ninh hạt nhân; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 của Việt Nam đã có các quy định chung về an ninh hạt nhân; nâng cao năng lực quốc gia về an ninh hạt nhân.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” năm 2011; tăng cường kiểm soát các nguồn phóng xạ, Việt Nam đã thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các nguồn phóng xạ và các thông tin chi tiết về hành chính của tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ.

Việt Nam ủng hộ và thực hiện nghiêm túc Quy tắc Ứng xử về An toàn và an ninh nguồn phóng xạ và Hướng dẫn bổ sung về xuất khẩu và nhập khẩu nguồn phóng xạ của IAEA (Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế); Chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân.

Việt Nam chia sẻ thông tin về việc buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ thông qua việc tham gia vào cơ sở dữ liệu ITDB (cơ sở dữ liệu lưu lượng tổng hợp) của IAEA...

Hiện nay, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau Hội nghị Thượng đỉnh năm 2010 và 2012, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như việc gia nhập Công ước Bảo vệ Thực thể Hạt nhân và Phần sửa đổi, phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung cho Hiệp định Thanh sát Toàn diện với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ.

Việt Nam cũng chính thức tuyên bố sớm tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đã ký tắt Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123).

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan với mục tiêu khẳng định chính sách của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, các biện pháp Việt Nam đã thực trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị và tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao một số quốc gia.
Theo TTXVN