Đây là khẳng định của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda tại cuộc họp báo ngày 3/5 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của ADB tại Hà Nội.

Theo ông Kuroda, sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong xóa đói giảm nghèo cho người dân và từ năm 2008 đã gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. Hiện Việt Nam cũng đang củng cố đà khôi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Kuroda cho rằng Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác ở châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Giá dầu và giá lương thực tăng cao do tác động từ những bất ổn chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi; tác động từ thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản.

Cùng với đó, lạm phát cao đang tác động mạnh tới hàng trăm triệu người nghèo ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á cũng dẫn tới những vấn đề về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu mà Việt Nam là nước dễ bị tổn thương do thường xuyên phải chịu những trận bão, lũ, hạn hán...

Vì vậy, ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với những tác động xấu có thể xảy ra như xây dựng giao thông đô thị theo hướng giảm khí phát thải thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, ADB còn hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng nông thôn, tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tại cuộc họp báo, ông Kuroda dự báo mức tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ ở mức 7,8% năm 2011 và 7,7% năm 2012, mặc dù thấp hơn mức của năm 2010, nhưng đây vẫn sẽ là kết quả ấn tượng.

Ông Kuroda lưu ý cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đặt ra nhu cầu rõ ràng cho việc xây dựng một hệ thống tài chính thế giới có kết cấu và nền tảng tốt, có thể chống chịu được những cú sốc, trong đó châu Á đóng một vai trò then chốt trong tiến trình này thông qua việc củng cố các hệ thống tài chính của mình. Việc này sẽ giúp khu vực châu Á giải phóng được những nguồn lực của chính mình, đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng thời đóng góp hiệu quả cho việc thu hẹp sự mất cân bằng trên toàn cầu. Đối với mỗi quốc gia, trong những thời điểm nhất định, Chính phủ cần có biện pháp riêng để kiểm soát dòng vốn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc duy trì kiểm soát dòng vốn quá lâu có thể bóp méo sẽ môi trường đầu tư và kinh doanh./.

Theo TTXVN

Cao Thúy