Đất đai cha mẹ để lại không rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp, mất tình anh em… (ảnh minh họa internet)

Ông Thành và bà Nga, tuổi đều ngoài 70, là hàng xóm sống ngay kế bên gia đình tôi. Cách đây 6 năm, ông đột ngột ra đi sau một cơn đau tim. Rồi thì chỉ 2 năm sau, bà Nga vợ ông cũng theo ông rời bỏ cõi dương thế sau một cơn bạo bệnh. Ông Thành, bà Nga ra đi, dẫu cả đời lam lũ nhưng cũng không để lại cho các con được bao nhiêu tiền bạc, của nả, chỉ ngoài mảnh đất rộng 1.000m2. Với 5 người con, trong đó có 2 người con trai, theo phong tục truyền thống của làng tôi, thậm chí nhiều làng quê khác trong vùng thì chuyện thừa kế tài sản, đất đai khi cha mẹ mất đi chỉ là “chuyện riêng” của những người con trai, còn con gái khi lớn lên đi lấy chồng sẽ chỉ hưởng danh phận ở nhà chồng! Chính vì vậy, khi ông Thành, bà Nga mất đi chưa kịp soạn di chúc chia đất cho các con, nên khi cả hai khuất bóng chưa lâu, hai người con trai của ông bà ngay lập tức tiến hành chia đất, bởi thời điểm đó đất đang lên cơn sốt giá, lên tới mấy chục triệu đồng/m2.

Theo như ý kiến chung của họ hàng, cùng 3 người con gái, thì cậu con trai cả sẽ hưởng 600m2 đất, còn người con trai thứ sẽ nhận phần 400m2 thừa kế, bởi thông thường con trai cả sẽ đảm nhận việc cúng giỗ cha mẹ, lo toan tết nhất..., vì vậy mà anh ta nhận phần hơn 200m2 là hợp lý. Thế nhưng, người con trai thứ lại không tán thành với quan điểm ấy, anh ta cho rằng cha mẹ sinh ra thì con nào cũng là con, phải công bằng, nên việc để anh trai mình nhận hơn những 200m2 tương đương quy ra tiền bạc tới vài tỷ đồng là không thể chấp nhận. Anh ta còn nói mình cũng có thể thay thế anh trai để lo phần cúng giỗ cha mẹ được, chứ đâu nhất thiết phải là con trưởng...

Người anh cả không chịu nhượng bộ và rồi sự việc đẩy lên tới mâu thuẫn trầm trọng, khi lúc đầu còn lý sự, to tiếng, về sau sinh ra cãi vã nhau, chửi nhau, rồi đánh nhau. Người em trai thứ cậy sức vóc to khỏe đã cầm gậy đuổi đánh anh mình đến gãy tay, chấn thương sọ não phải đi bệnh viện. Khi thấy vợ của anh trai mình ra can ngăn, cậu ta còn đánh luôn cả chị dâu đến thâm tím mặt mày. Sự việc nghiệm trọng ấy mấy tháng sau cũng được giải quyết ổn thỏa thông qua sự khuyên nhủ của cô, dì, chú, bác cùng những người con gái của ông Thành bà Nga, khi người con trai cả chấp nhận xuống nước để phần đất chia đôi mỗi người 500m2! Thế nhưng, sự công bằng mà người em trai đòi hỏi đạt được ý muốn đó phải trả giá đắt, vì từ đó 2 anh em cắt đứt nhau, không nhìn mặt nhau nữa. Chính vì vậy mà đám giỗ cha, mẹ cũng bị... chia đôi vì cứ đến ngày giỗ là cả hai anh em cúng riêng, chứ không tập trung về ở nhà con trưởng như truyền thống bấy lâu nay. Người xưa từng bảo “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, thế mới biết sức mạnh của đồng tiền quả là ghê gớm, khi nó có thể cắt đứt cả tình đạo lý, tình máu mủ ruột thịt anh em...

Câu chuyện trên hoàn toàn có thật và tôi muốn kể ra để mọi gia đình, nhất là những gia đình có tài sản nhiều, đất đai rộng rút kinh nghiệm, xem đó là bài học xương máu. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không riêng gì gia đình mà tôi chứng kiến, có rất nhiều những gia đình cũng rơi vào tình cảnh gần tương tự như vậy, mà nguyên nhân dẫn tới sự mất đoàn kết, chia cắt tình thân máu mủ ruột thịt, hận thù nhau... cũng chỉ vì tiền bạc, đất đai. Từ thực tế không hay đó, tôi khuyên các gia đình có tài sản, đất đai hãy chia, phân định rạch ròi cho con cháu khi ông bà, cha mẹ hãy còn sống, để không làm rạn nứt tình cảm, mất đoàn kết trong anh em, dòng họ...

Một khi ông bà, cha mẹ đã lập di chúc về tiền bạc, tài sản, đất đai từ lúc còn sống thì khi họ mất đi, các con cháu chỉ việc thực hiện theo phần di chúc đó, bởi trong di chúc đã có sự bảo hộ của luật pháp khiến không ai có thể làm trái, làm khác đi được. Lại nói về chuyện nhà ông Thành bà Nga, nếu như ông bà khi còn sống mà soạn thảo di chúc thừa kế đất đai rạch ròi cho các con thì đâu dẫn tới cảnh các con ông bà đánh chửi nhau dẫn tới cắt đứt tình thân, từ mặt nhau.

Chẳng nói đâu xa, cha mẹ tôi, dẫu không có nhiều đất đai, nhìn thấy “bài học” từ gia đình ông Thành bà Nga, cũng như mẫu thuẫn từ các gia đình khác để tránh, nên cha mẹ tôi đã lập di chúc chia đất cho các con từ vài năm nay, mặc dù cả hai vẫn còn khỏe và tuổi đều chưa tới 70. Cha tôi bảo: “Chia cho thằng nào bao nhiêu mét chúng tao ghi hết trong di chúc thừa kế rồi, khi vợ chồng tao mất đi chúng mày cứ thế mà thực hiện...”.

Đặng Đức