Phóng viên báo CCB Việt Nam đang trò chuyện với ông Trịnh Quang Thao con và em liệt sỹ

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hàng vạn người con Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường; nhiều địa danh, tên người được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 350.045 người có công, trong đó: 4.625 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), hiện có 94 Bà mẹ VNAH còn sống; gần 55.932 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 43.571 thương binh; hơn 15.959 bệnh binh; gần 19.183 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiếm chất độc hóa học; 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương. Tại thời điểm tháng 12-2021 có 71.536 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng.

Đúng dịp kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sỹ, chúng tôi tìm đến thôn Thanh Xá 1, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tìm gặp gia đình Đảng viên, CCB Trịnh Quang Thao, sinh năm 1950. Trong ngôi nhà cấp 4, anh Trịnh Quang Huy, con trai ông Thao đang sắm sửa đồ lễ, hương đèn cho 2 liệt sỹ của gia đình là ông nội Trịnh Gia Cát, bác ruột Trịnh Quang Hùng. Ông Thao chia sẻ, cụ thân sinh là ông Trịnh Gia Cát, sinh năm 1917, nhập ngũ ngày 20-3-1949 và hy sinh ngày 20-6-1951 tại Cầu Bút, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chồng mất, bà Trịnh Thị Bỉm một mình nuôi 4 người con lớn khôn. Tháng 6-1968, người con trai thứ 2 trong gia đình là Trịnh Quang Hùng lên đường nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1973.

Ông Trịnh Quang Thao thắp nén hương cho bố và anh trai

Không thuộc diện phải đi bộ đội, nhưng tháng 8-1972, ông Trịnh Quang Thao vẫn theo bước cha, anh lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tháng 12-1972 ông có mặt ở chiến trường Lộc Ninh, Bình Phước. Ông được điều động tham gia nhiều chiến trường ác liệt, từ Lộc Ninh, Bình Phước sang đến khu vực Tây Ninh giáp đất Campuchia. Năm 1975, sau một trận đánh ác liệt ở cầu Khởi, Tây Ninh ông Thao bị thương và năm 1976, ông xuất ngũ về quê với thương tật 31%. Trở về quê hương, ông lấy bà Nguyễn Thị Vinh cũng là một quân nhân, nhập ngũ năm 1974 và tham gia công tác tại tỉnh đội Thanh Hóa.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Trịnh Quang Huy, con trai ông Thao cho biết, sinh ra trong một gia đình cách mạng nên bản thân anh luôn xác định phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của ông nội cũng như người bác cả. Dù lập nghiệp ở địa phương khác, nhưng cứ vào dịp 27-7, anh luôn cố gắng sắp xếp công việc để về quê, lo hương đèn, lễ quả đầy đủ cho tổ tiên. Điều anh Huy và gia đình trăn trở là đến thời điểm hiện tại, dù đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt của ông nội Trịnh Gia Cát, bác ruột Trịnh Quang Hùng.

Để thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 5 năm  qua các cấp, các ngành trong tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ VNAH cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ; 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 7.118 thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 1237 hồ sơ người có công; trình Bộ Lao động - TBXH cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ.

Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ VNAH đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Đặc biệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được đẩy mạnh. Có thể nói, Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình người có công với nước.

Đến nay, hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội…”.

Thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đồng thời phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị rà soát giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng chưa được hưởng chế độ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ; bảo vệ, nâng cấp, tu bổ các công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Hoàng Thanh – Võ Hóa