Ngô Vĩnh Bình
I
Người lính Việt Nam trong lịch sử dân tộc đã từng được đi vào trang sách lịch sử và văn chương, trong đó có những bài, những câu thơ thật đáng nhớ. Nhưng đó chỉ là những câu thật buồn về những người lính:
Ngang lưng thì
thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu,
vai mang súng dài…
Thì thùng trống
đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
nước mắt như mưa!
Công bằng mà nói, cũng có những bài, những câu thơ hay viết về người linh, ví như:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa cháng sắc trắng
như là tuyết in…
Những câu thơ ấy thật đẹp, nhưng cô đơn và nhuốm những vẻ buồn!
II
Nhưng đến khi Quân đội nhân dân ra đời (1944), nhất là sau mùa thu Tháng Tám năm 1945 thì hình ảnh người lính Việt Nam đã khác. Đó là những người lính của thời đại mới, của nước Việt Nam mới - những người lính Cụ Hồ với những vẻ đẹp mà những người lính các thời đại trước không có như: Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ; có tinh thần đồng đội; sống yêu đời, ham học hỏi và cầu tiến bộ...
Có thể nói những sáng tác thơ về người lính 70 năm qua là những tác phẩm văn học đồ sộ nhất, sáng đẹp nhất trong tủ sách văn học nghệ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc đân tộc.
Hình ảnh “Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan” mà nhà thơ Tố Hữu viết trong bài Việt Bắc không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào mà còn là nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, là nguồn cảm hứng sáng tạo của các văn nghệ sĩ.
Nhà thơ Vũ Cao - một Vệ quốc quân năm xưa trong bài thơ Núi Đôi nổi tiếng viết:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng
dẫn đường
Còn nhà thơ trẻ Hoàng Nhuận Cầm - một chiến sĩ Quân giải phóng viết khi ở chiến trường Quảng Trị mùa hè năm 1972
Và đó-mùa hoa bất tử,
Nở hoài trên mũ quân nhân.
(Mùa hoa bất tử trong tập “Xúc sắc mùa thu”)
Những người lính đi chiến đấu với lý tưởng cao cả vì Tổ quốc, vì nhân dân. Với mục tiêu vì độc lập và thống nhất đất nước, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, người lính có thể vượt qua mọi gian khổ hy sinh như những người lính thời chống Pháp với “áo rách vai”, “quần có vài miếng vá”, và “chân không giày" (Đồng chí của Chính Hữu), nhưng khi xung trận để giữ từng tấc đất nơi chiến hào Điện Biên thì dù phải trải qua những ngày “khoét núi ngủ hầm/ mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non” ý chí kiên cường của họ vẫn “gan không núng, chí không mòn” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)... Và hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên vẫn hiện lên bất tử:
Bạn ta đó
Chết trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa
dời báng súng
Chân lưng chừng nửa
bước xung phong
(“Giá từng thước đất”

  • Chính Hữu)
    Cái lẫm liệt của người lính Điện Biên năm ấy, chừng hai mươi năm sau trong cuộc tấn công vào sào huyệt của giặc Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất lại tái hiện để khắc họa nên một “dáng đứng Việt Nam” kiên cường, bất khất “tạc vào thế kỷ”:
    Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
    Anh vẫn đứng lặng im
    như bức tường đồng...
    Không một tấm hình,
    không một dòng địa chỉ
    Anh chẳng để lại gì cho
    Anh trước lúc lên đường
    Chỉ để lại dáng đứng
    Việt Nam tạc vào thế kỷ!
    (“Dáng đứng Việt Nam”
  • Lê Anh Xuân)
    Anh Vệ quốc quân, anh Giải phóng quân - người chiến sĩ QĐND Việt Nam “tên anh đã thành tên đất nước”. Những dòng tên ấy đã “khắc vào đá núi” (Màu hoa đỏ - Nguyễn Đức Mậu), đã đi vào lịch sử và một thời làm quân thù “bạt vía kinh hồn”, nhưng trong đời sống thì thật giản dị gần gụi và đôi khi cũng rất lãng mạn.
    Viết về sự gần gụi của người chiến sĩ giải phóng quân thời chống Mỹ, nhà thơ Lê Anh Xuân trong bài thơ vừa dẫn có câu: Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
    Bình dị sáng trong gần gụi như tình “cá nước” trong con mắt nhân dân; da diết nồng thắm trong tình đồng chí đồng đội... đã như là một nét đặc trưng, một lẽ sống của người lính thời đại Bác Hồ. Trong gian khổ thì: Nhớ khi mình ốm giữa rừng/ Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi/ Quả khế rừng nấu con cá suối/ Thương mình Hùng hoá trẻ đi câu. (“Nấm mộ và cây trầm” - Nguyễn Đức Mậu), và trong chiến đấu, lúc bạn hi sinh thì như trong bài Viếng bạn của Hoàng Lộc: Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt...
    Và, nếu như những người lính thời kháng chiến 9 năm trong cuộc trường chinh vĩ đại đầy bi tráng “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” vẫn mơ về Hà Nội: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (“Tây Tiến” - Quang Dũng) thì những chiến sĩ quân giải phóng vượt Trường Sơn “không một dấu chân người” đầy hiểm nguy, bom đạn và chất độc hóa học vẫn “Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi” (Bài ca Trường Sơn - Gia Dũng) và “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” (“Tiểu đội xe không kính” - Phạm Tiến Duật). Thật lãng mạn mà cũng thật nhân văn!
    III
    Sau năm 1975 - “thời kỳ hậu chiến”, những người lính trở về sau khi hoàn thành khát vọng của cả dân tộc, bao ước mơ ấp ủ trong trái tim họ về tình yêu, hạnh phúc sau chiến tranh, nay khát vọng của những con người ấy ra sao?. Ký ức về những năm tháng chiến đấu trở thành nỗi trăn trở, day dứt của những người lính. Bước ra khỏi cuộc chiến người ta không phải không đối diện với những suy tư, trăn trở về số phận của chính mình sau những trải nghiệm về chiến tranh. Nền kinh tế thị trường, nạn quan tham với tất cả những phức tạp, gai góc của nó khiến con người không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan thuần khiết như những năm chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với đời sống xô bồ, nhộn nhạo của thời hiện đại mất đi tính tuyệt đối
    Tất cả đã đi vào văn chương, vào thơ. Phùng Khắc Bắc - một nhà thơ - chiến sĩ có lẽ, đã mô tả đúng nhất, hoàn cảnh người lính trở về trong bài thơ “Ngày hòa bình đầu tiên” (1985): Anh về lại ngôi nhà mình/ Sau mười năm chiến tranh... Nhà dột/ Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột/ Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng/ Mắc võng/ Lại mắc võng/ Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột... Không có trái bom nào rơi đúng nhà mẹ/ Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ... Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống/ Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ khác nhau…
    Nhưng không chỉ có “kể khổ”, chỉ so bì hơn thiệt.. và “sám hối”: Mái rạ của mẹ sẽ không thủng lỗ chỗ/ Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ/ Chứ không phải chiến tranh... Mà cũng theo nhà thơ, người lính hôm nay biết tự vượt lên hoàn cảnh, tự vượt lên mình:
    Hôm qua chưa
    nhận một viên đạn
    Hôm nay nhận
    những lỗ thủng
    Anh về quê
    không mang súng
    Vũ khí lúc này
    Hai bàn tay
    Mẹ giục: Ăn cơm, con!
    Hoà bình trong
    canh cua, mồng tơi, cà
    Và/ Mùi ổ rơm...
    Như thế và như thế, các anh - những người lính hôm nay thật chắng hổ danh Bộ đội Cụ Hồ!
    Thập tam trại, 12-2014
    NVB