Mới đây, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Sau chuyến đi, EC có công thư thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Cụ thể: Đoàn Thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC.

Trong đó, đặc biệt ghi nhận nỗ lực của của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quốc tế bao gồm sửa Luật Thủy sản, ban hành 2 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc.

Qua kiểm tra lần 2 vào đầu tháng 11-2019, Đoàn Thanh tra EC ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam.

Đoàn Thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5-2018) và đang đi đúng hướng. Bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế.

Đồng thời, đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước như: Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; Việt Nam rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.

Ngoài ra, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý công suất khai thác thông qua việc đóng băng đội tàu khai thác xa bờ và Bộ NNPTNT ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Thanh tra EC chỉ ra nhiều hạn chế trong việc khai thác thuỷ sản của Việt Nam.

Trước hết, về tiến độ ban hành 2 Nghị định còn chậm so với cam kết, mức xử phạt trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP còn nhẹ so với khu vực; một số thời hạn về đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên rất khó khả thi; mẫu chứng thư khai thác còn thiếu một số thông tin so với quy định hiện tại của châu Âu; chưa yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của các lô hàng nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp khi xuất sang thị trường châu Âu.

Trong khi đó, việc triển khai Luật Thủy sản và các văn bản còn hạn chế. Cụ thể: Chưa triển khai thực hiện kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy theo quy định tại Điều 70, Nghị định 26/2019/NĐ-CP; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện, còn nhiều lỗi kỹ thuật; việc xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương đặc biệt là đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đã đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến...

Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xoá bỏ các nỗ lực quản lý nguồn lợi thuỷ sản bền vững.

Đặc biệt, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.

Đoàn Thanh tra EC khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC sẽ không rút thẻ vàng. Đoàn Thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU trong 6 tháng tới.

Công Bằng