Thất thoát ở các tập đoàn liệu các bộ liên quan có trách nhiệm?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng sai phạm ở các tập đoàn nhà nước mà điển hình là Vinashin, Vinalines thì Bộ không thể nắm được vì doanh nghiệp không báo cáo. Thậm chí người của Bộ đến “xin' thông tin họ cũng không cho thì sự sốt ruột dường như đã đến cao trào.
Tại sao một bộ trưởng không có quyền tiếp cận tập đoàn nhà nước để lấy thông tin, hay Chính phủ yêu cầu nhưng bộ, ngành địa phương cũng không báo cáo đúng thời hạn, rồi không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết khi quan chức có dấu hiệu phạm tội...
Rõ rang đây chỉ là một số trong nhiều kẽ hở về mặt pháp lý đã bộc lộ qua 5 phiên chất vấn, mà cả Quốc hội và Chính phủ đều phải suy ngẫm thật sâu sắc.
Với lời khẳng định “vô can” trong “đại sai phạm” ở Vinashin của người tiền nhiệm Bộ trưởng Vinh, liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước - vẫn vô can trong tất cả các thất thoát tiếp theo khi chậm sửa các văn bản liên quan về quản lý tập đoàn? Trong khi lãnh đạo một số doanh nghiệp xài số tiền rất lớn của nhân dân như tiền túi các vị đó.
Quy trình đúng nhưng hậu quả xấu liệu có nên thực hiện
Liên quan tới việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn khẳng định quy trình thực hiện đúng, nghiêm túc. Chỉ trong vài phút đăng đàn cuối phiên chất vấn chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã hơn một lần nghiêm túc nhận khuyết điểm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, cho dù trả lời của Bộ trưởng Thăng đã gây bất ngờ cho cả nghị trường, khi từ chỗ “lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng rút kinh nghiệm là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận” đến “tôi xin nhận trách nhiệm” chưa thực sự sâu sát, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng… nhưng có đại biểu đặt câu hỏi "Giả sử khi qua ngã tư có đèn xanh thì ta đi là đúng luật nhưng lúc đó có một chiếc xe tải đang phạm luật phóng nhanh vượt ẩu, nếu ta cứ vượt lên thì có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, vậy ta cứ lấy lý do là đúng quy trình mà đi bừa sao?". Có lẽ không nên cứ dựa vào một quy trình đúng để mặc cho sự việc dẫn tới hậu quả xấu mà vẫn tự an ủi không phải lỗi của ta.
Vai trò giám sát của Quốc hội phải chăng chưa cao?
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số khu tái định cư ở địa phương này đã gần 40 năm vẫn còn 80 hộ nghèo và cận nghèo, hay khu khác tại Nghệ An trên 5 năm vẫn có 90% hộ nghèo… Trả lời chất vấn về việc này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “hứa” sẽ báo cáo Thủ tướng để tổ chức đoàn kiểm tra về tái định cư thủy điện Hòa Bình, để có những giải pháp cụ thể chấm dứt tình trạng đói nghèo ở khu vực này.
Vậy vấn đề đặt ra là trong gần 40 năm đó, vai trò giám sát của Quốc hội ở đâu, trách nhiệm của các cơ quan liên quan thế nào, khi kỳ họp nào cũng có hàng ngàn ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội? để Chính phủ không nắm được nhiều việc tưởng cả nước đều biết.
Chẳng phải vô cớ mà “ông nghị” Dương Trung Quốc Quốc - người tham gia QH đến nhiệm kỳ thứ 3 - đã nói, *“Quốc hội như thế nào sẽ có Chính phủ thế đó. Quốc hội không thỏa hiệp, Chính phủ sẽ khác”. **Và ông cũng *đặt câu hỏi, vì sao khi xẩy ra những vụ việc như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... chẳng thấy Quốc hội sớm vào cuộc?
Mai Anh