Bia ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước mùa khô năm 1965-1966.    

Thạnh Phước- một vùng quê nằm dọc hai bên bờ sông Vàm Có Tây, cách huyện lỵ Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc Long An) chừng 12km. Do có địa thế thuận lợi nên trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, Thạnh Phước là địa bàn trung chuyển nguồn hậu cần và bộ đội từ vùng biên giới vào vùng trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười. Chính vì vậy mà Thạnh Phước trở thành mục tiêu kiểm soát và đánh phá thường xuyên của quân Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn.

Mùa khô năm 1965, địch mở cuộc càn quét quy mô lớn vào vùng giáp ranh biên giới, Thạnh Phước trở thành nơi đóng chốt dã ngoại của Tiểu đoàn "Lôi hổ".

Địch chia ra đóng thành 2 cụm chốt: một cụm đóng ở bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây; cụm còn lại đóng ở bờ Nam, tạo thành một "lá chắn" ngăn dòng chảy tuyến vận chuyển huyết  mạch của ta từ  biên giới vào nội địa.

Cụm chốt dã ngoại của tiểu đoàn "Lôi hổ" ở Thạnh Phước như "cái gai" trêu ngươi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 Quân Khu 8. Phải nhổ bằng được "cái gai" này. Đó không chỉ là quyết tâm của các LLVT ta đứng chân trên địa bàn, mà còn là mong mỏi của nhân dân trong vùng.

Đầu tháng 12-1965, Khu ủy Khu 8 hạ quyết tâm xóa cụm chốt Thạnh Phước, tiêu diệt Tiểu đoàn "Lôi hổ" để khai thông tuyến hành lang vận chuyển vào trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở Kiến Tường và Mộc Hóa phát triển. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Tiểu đoàn 263 – Quân khu 8 và Đại đội 1 – Bộ đội địa phương Kiến Tường với sự phối hợp của du kích các xã trên điạ bàn.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trận đánh sẽ hình thành 2 hướng tiếp cận mục tiêu; hướng chủ yếu ở bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây do Tiểu đoàn 263 phối hợp cùng du kích các xã Bình Hòa, Bình Phong Thành đảm nhiệm; hướng ở bờ Nam do Đại đội 1 phối hợp cùng du kích xã Thạnh Phước đảm nhiệm.

16 giờ ngày 18-12-1965, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Nhờ có du kích dẫn đường nên quá trình tiếp cận mục tiêu diễn ra khá suôn sẻ và giữ được bí mật tuyệt đối.

Nửa đêm ngày 18, các mũi đồng loạt nổ súng. Bị tiến công bất ngờ, quân địch dồn vào các công sự cố thủ, sử dụng hỏa lực chống trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của bộ đội ta. Nhất là, ngay sau khi phát hiện tiểu đoàn "Lôi hổ" bị tiến công, pháo binh địch từ các trận địa xung quanh Thạnh Phước thi nhau dội xuống đội hình chiến đấu của tiểu đoàn.  

Hơn 30 phút đột kích với nhiều đợt xung phong, song tiểu đoàn vẫn không thể đánh chiếm được mục tiêu, trong khi con số thương vong liên tục tăng cao: 33 trường hợp hy sinh; 56 trường hợp bị thương.

Trước tình thế bất lợi đó, BCH Tiểu đoàn quyết định dừng trận đánh, cho bộ đội rút về cùng cố lại, chờ thời cơ tiến công tiếp.  

Về phía địch, sau lần bị "chết hụt" đó, chúng đã dồn hết lực lượng sang đóng ở phía bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây; cải tạo lại hệ thống lô cốt và công sự; bao bọc xung quanh là hệ thống hàng rào nhiều tầng, nhiều lớp dày đặc và gài các loại mìn chống xung phong.

Về phía ta, sau lần tiến công không thành công, BTL Quân khu 8 quyết tâm tổ chức lại trận đánh. Nhiệm vụ lần này được giao cho Tiểu đoàn 269 chủ lực Quân khu 8 với sự tăng cường 1 trung đội Đặc công của tỉnh Kiến Tường và sự phối hợp của du kích các xã trên địa bàn.

Nửa đêm 29-1-1966, trung đội Đặc công của tỉnh bí mật tiếp cận mục tiêu dùng bộc phá đánh sập lô cốt đầu cầu. Từ các hướng, bộ binh hừng hực khí thế xung phong.

Tuy nhiên khi vừa lao lên khu vực trước cửa mở thì tất cả các mũi đều bị khựng lại do vướng phải bãi mìn, mà trước đó bộ phận đi trinh sát điều nghiên đã không phát hiện ra.    

Gần 3 giờ trôi qua, ta vẫn chưa thể làm chủ được trận địa. Trong khi quân địch lợi dụng vào hệ thống công sự kiên cố, điều máy bay trực thăng vũ trang đến tiếp tục oanh kích vào đội hình của Tiểu đoàn, gây cho ta thêm nhiều thương vong, nên đơn vị lành đành phải rút lui.  

Vậy là thêm một lần tiến công nữa nhằm vào cùng một mục tiêu không nhưng không thành, mà còn bị tổn thất khá lớn: 62 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và  bị thương.

Một mục tiêu chỉ ở mức chiến thuật mà hai lần, hai tiểu đoàn tổ chức tiến công vẫn không tiêu diệt được. Vì sao?

Nguyên nhân chủ yếu  và trước hết vẫn là do công tác chỉ huy trận đánh còn chuệch choạc. Nhất là khi gặp tình huống phức tạp xẩy ra, chỉ huy xử lý thiếu linh hoạt dẫn đến trận đánh phải kéo dài. Kể cả trong rút lui, do không nghi binh, đánh lạc hướng, để địch phát hiện dấu vết và bám theo truy kích gây thêm nhiều thương vong.

Công tác trinh sát, nắm địch trong cả hai lần tiến công đều không chắc, thiếu cụ thể, tỷ mỷ. Bằng chứng là không nắm rõ tính chất và cách bố phòng bãi mìn của địch ở khu vực trước cửa mở, nên Tiểu đoàn đã không có các phương án khắc phục.

Cũng do nắm  không chắc bố trí phòng thủ của địch bên trong căn cứ nên đã không có các phương án tiêu diệt các lô cốt, ổ hỏa lực ngầm một cách hiệu quả; Trong cả hai lần tiến công, sự phối hợp giữa các bộ phận, các mũi cũng thiếu hiệp đồng thống nhất, làm giảm sức mạnh đột phá của ta và tạo điều kiện cho địch tập trung lực lượng đối phó lại.

Trong lần tiến công thứ hai tuy công tác chuẩn bị được tiến hành bài bản hơn nhưng lại không biết phân tích mổ xẻ nguyên nhân không thành công của lần tiến công trước một cách nghiêm túc để rút kinh nghiệm nên một số hạn chế tương tự vẫn tái diễn, điển hình nhất là trong hiệp đồng chiến đấu không thống nhất.

Trận Thạnh Phước dẫu hai lần tiến công không thành công, song nó cũng đã để lại cho hai Tiểu đoàn 263 và 269 nói riêng, LLVT Quân khu 8 nói chung một số bài học đắt giá và kinh nghiệm quý, nhất là bài học về công tác nắm địch và tổ chức, chỉ huy, bảo đảm chiến đấu cho một trận đánh; kinh nghiệm đánh địch đóng chốt dã ngoại trên địa hình đồng nước; kinh nghiệm tập kích lực lượng biệt kích...

Việt Anh