Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Sáng 13-9, tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học Khởi nghĩa Bắc Sơn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cách đây 80 năm, Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) nổ ra là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, là “tiếng súng” mở đầu cho thời kỳ đấu tranh vũ trang giành chính quyền, là sự hiện thực hóa quan điểm “bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc” của Đảng. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại nhiều bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; là sự khẳng định chuyển hướng đấu tranh đúng đắn của Đảng được định ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11- 1939).

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, phát huy tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Trong thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Lạng Sơn đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ phát triển khá cao trong nhiều năm liên tục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 48,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2015); lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh…

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo.

Tại hội thảo, PGS, TS Văn Ngọc Thành, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trình bày tham luận với chủ đề: “Cộng tác Pháp - Nhật tại Đông Dương năm 1940 - Bối cảnh của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn”. PGS, TS Văn Ngọc Thành khẳng định, Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ ngay sau khi sự cộng tác Pháp - Nhật chính thức có hiệu lực cho thấy sự thức thời của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng cơ sở, đã tranh thủ mâu thuẫn của kẻ thù để đứng lên khởi nghĩa, để lại bài học về nắm thời cơ trong đấu tranh giành chính quyền và cũng là bài học lớn cho lợi dụng mâu thuẫn của kẻ thù để bảo vệ chính quyền cách mạng, cũng như cho tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu, Phó chính ủy Quân khu 1 trình bày tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiêu, Phó chính ủy Quân khu 1 cho rằng, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức tự giác, tổ chức và tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp, đầy đủ vào các nhiệm vụ cách mạng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc ta đã dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chấp nhận hy sinh, gian khổ. Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn - cuộc khởi nghĩa do tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo, tập hợp quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở một địa phương miền núi là minh chứng rõ nét nhất về vai trò của quần chúng nhân dân, của “thế trận lòng dân” trong đấu tranh cách mạng.

Nói về ý nghĩa và giá trị lịch sử của Khởi nghĩa Bắc sơn, PGS, TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đánh giá, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn mở đầu thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang giành chính quyền; khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng; sự chủ động, sáng tạo của cấp bộ Đảng, tinh thần anh dũng, quật cường của nhân dân địa phương; khởi đầu cho việc việc xây dựng căn cứ địa và thành lập lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, hội thảo hôm nay đã được nghe một số tham luận trình bày với nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đối với cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của cuộc khởi nghĩa. Ban tổ chức đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học bổ sung những ý kiến tiếp thu tại hội thảo, gửi lại để tiến hành xuất bản kỷ yếu làm tài liệu tuyên truyền và phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Nhân dịp này, trước đó vào chiều 12-9, đoàn lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đến thăm, tặng quà thân nhân gia đình ông Dương Công Chiến, lão thành cách mạng tại thôn Tân Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn và dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ huyện Bắc Sơn, Tượng đài Du kích Bắc Sơn.

Tin, ảnh: LA DUY