Rách mướp, nhưng tay Tím nắm chặt tới mức người ta chỉ có thể mở ra từng ngón một. Giữa lòng tay xanh lạnh là một cái nút áo.

Tròn, màu trắng đục gợn nâu, vật chứng duy nhất Tím tóm được kẻ thủ ác đã chuyền qua tay từng người trong xóm, với hi vọng ai đó từng nhìn thấy nó hoặc anh em còn lại của nó. Cái nút có thể bị bứt ra từ áo trắng học trò, áo xám của anh xe ôm, áo kẻ của ông thầy giáo, áo chim cò của mấy thằng người hay ôm gà nòi đi cáp độ.

Nhưng chỉ có vậy, của bất cứ ai, bằng nhựa, lợn cợn trắng nâu, chỗ đính chỉ vô áo bị gãy, cái nút không nói gì không kể gì thêm. Người có thể kể thì lơ tơ mơ mỗi chuyện mình bị bịt miệng từ phía sau bởi một cánh tay cứng đanh, sau đó ngất luôn không biết chi trời đất.

Thiêm thiếp trên chiếc giường trạm xá, đôi lần tỉnh dậy Tím lại dập đầu vào tường, người ta phải nhồi thêm thuốc ngủ cho cô lịm đi. Ai tới thăm, bà mẹ thắc thỏm mỗi câu “thiệt là quân ác nhơn, không lấy gì đắp cho con nhỏ”, như thể chuyện con gái bà phơi lạnh quan trọng hơn hết thảy chuyện khác.

- Khóc chừng nửa năm thì tôi nín. Anh cũng biết đó, nước mắt đâu mà khóc hoài.

Làm ra vẻ dửng dưng, Tím kết câu chuyện của mình, để giải thích cho anh con trai hiểu sao qua tuổi ba mươi mà cô chưa chồng, sao cổ cô đeo sợi dây chuyền bạc xỏ qua một cái nút áo. Cuộc coi mắt sẽ kết thúc ở đó, nhưng có khi kết thúc ngay lúc người con trai ghé cái quán đầu xóm để hỏi nhà cô Tím. Phải Tím Nút Áo thì qua doi kia là tới. Vụ nút áo là sao hả? Vầy, hồi con nhỏ mười lăm tuổi...

Chắc phải bỏ xứ đi con Tím mới mong kiếm được tấm chồng, bà mẹ hay rên rỉ vậy. Nhưng Tím phải ở lại, hi vọng tìm được kẻ hại mình. Gã phải là người trong xóm mới thuộc lòng những chiều thứ sáu, Tím sẽ ghé qua nhà ngoại sau tan học, chạng vạng mới về. Phải là người trong xóm mới đánh ngất cô để khỏi bị nhận mặt.

Trong tay chỉ có cái nút áo câm, không đủ làm ra công lý của người, nhưng Tím tin luật trời, thằng bất lương đó phải có khi lơ là mặc lại cái áo có hàng nút tật nguyền, hoặc sẽ biến sắc khi nhìn thấy dấu vết tội ác lủng lẳng trên cổ cô.

Suốt nửa năm dành cho việc khóc, Tím trốn ở trong nhà, thế giới của cô chỉ từ cửa giữa ra sau bếp. Nếu không phải nấu cơm giặt giũ Tím sẽ săm soi nút áo, như nuốt trộng bằng mắt, ghi khắc, đóng đinh nó vào lòng mình. Một bữa Tím hỉ mũi cái rột, lấy cùi tay lau nước mắt, nói, mai đi coi cúng đình.

Tím bắt đầu lảng vảng những chỗ đông người. Hay đi bộ ngoài đường, gặp người đàn ông nào cũng nhìn nghiến ngấu. Chẳng quan tâm mặt mũi vuông hay tròn, chân ngắn hay cong, chỉ nghĩ coi mặt họ có biến sắc không, áo có đứt nút không. Kẻ vô lương đang núp sau mặt nạ của anh Bảy dượng Ba, những người đàn ông sớm xỉn chiều say, hay chính ông ấp trưởng có ánh nhìn lén lút, không chừng.

Tím tin cô sẽ nhận ra gã bằng thứ linh cảm được chuốt nhọn trong từng ấy tháng ngày. Mùi mồ hôi tay, hơi thở dày như tát lửa vào gáy Tím, và tiếng tim gã lồng lên trong ngực. Chắc chắn mình sẽ bắt được quân bất nhân đó, Tím nghĩ vậy.

Mẹ Tím tự dưng lo, “coi chừng gánh nút áo còng lưng”. Quãng đó bên sông có anh thợ máy nhờ mối mai qua hỏi cưới. Người lớn vừa bụng, Tím cũng hơi xiêu lòng, nghĩ hôm cưới sẽ mời đông, biết đâu oan gia của mình cũng tới.

Bữa Thợ Máy xách cặp vịt qua nhà xuống mối, nhìn thấy nút áo trên cổ Tím, anh chết lịm. Anh bảo từ đẻ ra đã sợ nút áo rồi, nên mặc toàn áo thun tròng cổ, cũng không biết sao lại sợ, chắc kiếp trước bị một vốc nút chèn ngang họng chết oan. Cứ thấy nút áo Thợ Máy sẽ không thở nổi, mà Tím thì lúc nào cũng treo toòng teng trước ngực, cưới nhau sao giờ.

Chỉ cần gói cái nút giấu đáy tủ hay quăng phứt ra vườn là tháng giêng sang năm có đám rước dâu, mẹ Tím càm ràm. Cô đóng cửa buồng nói vọng ra “vậy khác gì bỏ qua cho nó”. Chủ nhân của nút áo giờ biết đâu đang nằm tréo nguẩy cho vợ nhổ tóc bạc, hay thảnh thơi lắc võng ca vọng cổ, biết đâu ngồi coi đá cá lia thia.

Hình dung đó làm Tím thấy mình bốc khói. Phải có ai đó trả giá cho cái cảm giác buốt ruột, buồn ói mỗi khi bước qua cầu Tân Thạnh, cho những ánh mắt thương hại dính vào người, cho tuổi hai mươi rười rượi.

- Tôi mà đi theo anh rồi thì tụi vô lương đó sẽ thảnh thơi đã đời, vậy đâu được.

Sau câu nói đó, thêm một người đàn ông ra về khi vừa mới ngồi ấm chỗ bàn trà nhà Tím. Anh này không ghê nút áo, chỉ ở hơi xa.

Tím không ngại lấy chồng cách nhà mười ba cây số, cảnh lạ người lạ, cọ quẹt bụng chồng sẽ làm mòn mỏi mối thù. Nút áo còn Tím còn nhớ mình từng tơ tướp bên cỏ chân cầu. Nhưng cái sự vắng mặt của Tím sẽ làm nó thoát nơm nớp ám ảnh, vậy thì ông trời làm gì có mắt.

Ai ngờ chỉ chút xíu vầy mà nặng, mẹ Tím nghĩ vậy khi nhìn những vòng sóng dần lặng, nước khỏa dấu vết của cái nút áo vừa chìm xuống. Lén cắt sợi dây chuyền lúc Tím ngủ trưa, bà quăng cả dây và nút áo xuống ao bông súng. “Bỏ đi. Sống đi. Sống như thiên hạ vậy”, bà trệu trạo bảo khi Tím dậy quờ quạng cái cổ trống không.

“Họ đâu có nằm phơi bụng dưới chân cầu”, Tím cãi, chậm rãi ra ngoài ao bông súng không phải để nhìn bông súng. Mẹ mướn người bơm đất lấp ao, cảm thấy hành động ấy quá chừng vô vọng. Tím vẫn nhìn thấy bên dưới cỏ, dưới rễ cây mít, dưới từng lớp đất nâu nhão nhoét, có cái nút áo.

Tròn, bằng nhựa cứng, trắng gợn nâu.

Tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư