Các bạn tuổi sáu mươi thân yêu. Có phải chăng nhiều lúc ta cảm thấy thời gian trôi thật nhanh, vừa sáng đã tối, vừa mới cảm nhận cái nắng chói chang gay gắt của mùa hè chẳng mấy chốc đã lại nhận những đợt gió mùa đông bắc của mùa đông lạnh giá. Vừa nô nức đi dự Giỗ Tổ vua Hùng thế rồi lại Tết Trung thu và lại Tết Nguyên đán đón chào năm mới đến.
Nghĩa là thời gian cứ vùn vụt bay. Để khỏi bị thời gian vượt mặt, ta có cách song hành cùng nó. Mà cách duy nhất là ta phải luyện được phong thái ung dung tự tại. Theo những nghiên cứu y học và tâm lý học hiện đại thì con người chỉ đạt được trạng thái ung dung tự tại khi vượt qua những ngưỡng sau.
Thứ nhất, con người phải luôn học cách thích nghi với sự biến đổi của môi trường sống. Tôi có anh bạn là Đại tá, Nhà văn Quân đội. Anh quan hệ xã hội khá rộng. Sau thời gian cách ly xã hội trong tháng tư vừa qua, tóc anh trở nên bạc trắng, vì anh phải sống gần như một mình ở căn nhà 5 tầng trong một ngõ nhỏ ở ngoại ô Hà Nội. Vợ anh thời gian đó xuống nhà vợ chồng cô con gái để giúp trông cháu. Còn anh con trai thì bận việc công ty, hầu như không mấy khi ngồi nói chuyện với bố. Thế là chỉ mình anh với cái máy tính, anh chịu không nổi.
Nhưng cũng trong thời gian ấy, một anh bạn khác của tôi trước làm việc cho Viện tin học Pháp ngữ thì khác hẳn. Trông anh thư thái khỏe mạnh, nói chuyện vui vẻ, mắt lấp lánh sáng. Anh nói, chính trong thời gian phải ở nhà giãn cách anh đã đọc hết và đọc kỹ hai cuốn sách anh được nghe giới thiệu từ lâu. Anh có thói quen mỗi ngày tập thể dục trên sân thượng một tiếng buổi sáng. Anh cũng nghe nhạc, tự học tiếng Anh qua mạng và anh vẫn giao tiếp với bạn bè qua điện thoại, qua face book.
Như vậy bước một chính là học cách thích nghi như anh bạn sau đã nói ở trên.
Bước hai là vượt qua nỗi sợ hãi. Nếu ta lo sợ vẩn vơ thì có rất nhiều thứ để lo. Nào là lo bệnh tật, lo hết tiền tiêu, lo con cháu mắc các tệ nạn xã hội… Đặc biệt là nỗi sợ bệnh tật. Thưa bạn! Tuổi sáu mươi của tôi, chính nỗi sợ bệnh tật làm ta mắc bệnh vì nỗi sợ hãi làm giảm sức đề kháng của ta, y học đã chứng minh điều đó, “bệnh tại tâm“ là thế. Thứ nữa ta nên hiểu là ai cũng phải có trách nhiệm với chính bản thân mình – “không ai thương bình bằng mình thương mình”. Kể cả cha, mẹ, ông, bà cũng không thể quản được số phận của các con cháu…
Và ngưỡng cuối cùng ta phải vượt qua là sự đố kỵ. Sự đố kỵ luôn hiện hữu trong cuộc sống thực cũng như trên mạng xã hội. Nếu ta sợ và bị ám ảnh thì không thể sống thanh thản được. Ta cứ tập trung làm việc của ta, bất chấp sự đố kỵ, ghen tức nếu có. Vượt qua sự đố kỵ, ta mới có một tâm cảm lành mạnh, bình yên.
Người nào vượt qua ba ngưỡng trên sẽ có trí tuệ, bản lĩnh, sự bình yên. Và người đó chắc chắn sẽ có phong thái ung dung tự tại.
Chúng ta đã biết tác dụng của môn thiền. Chính môn thiền giúp các bạn vượt qua được ba ngưỡng trên. Ngoài việc ngồi tọa thiền như ở số báo trước tôi đã viết hầu Tuổi sáu mươi chúng mình, nay tôi xin giới thiệu thêm môn đi bộ thiền.
Một ngày ngoài việc ngồi tọa thiền từ một đến hai lần các bạn có thể thực hành thêm một lần đi bộ thiền. và tùy thể trạng, ý thích, thời gian cụ thể của từng người, các bạn sắp xếp tập thêm những môn khác như đi bơi, xe đạp hay yoga… Lợi ích của việc tập luyện là rất lớn so với thời gian, công sức bỏ ra nên ta đừng ngại.
Mỗi lần dành khoảng 30 phút, trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng, hoặc từ 17 đến 19 giờ tối. Bạn có thể đi quanh hồ nước, trong công viên hay trên sân thượng. Kỹ thuật đi bộ thiền: Lưng thẳng (từ xương cụt đền điểm tương đương ức) ngực thu, đầu hơi cúi, vai thả lỏng, tay dang ra (không quá 30 độ so với xương sườn) eo hông thả lỏng. Môi mím, lưỡi đặt hàm trên, mắt nhắm hờ (nhìn xuống); đầu gối hơi chùng, lực dồn vào nửa bàn chân trước, ngón chân hơi bấm xuống đất một chút, hai bàn chân cách nhau cùng lắm là một bàn chân. Bước chân cách nhau không quá nửa bước. Ta nên đi chậm để biết cách hòa nhập với nhịp thở của thân thể và ta thở bằng cả thân thể.
Mong các bạn Tuổi sáu mươi chúng mình tập đều đặn để có được khả năng song hành với thời gian.
Lê Tuấn Vũ