Ngôi mộ chung của 4 liệt sĩ Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Văn Bát, Bùi Văn Tính, Nguyễn Văn Khôi cũ (ảnh do Sở VH-TT tỉnh Nghệ An cung cấp).

Đã 13 năm, thân nhân 3 liệt sĩ trong ngôi mộ chung mà người dân thường quen gọi là “mộ liệt sĩ Đội Cung” luôn có một nỗi day dứt khi hài cốt người thân của họ vẫn còn nằm dưới mộ, nhưng danh xưng trên bia mộ thì không. Đó là do những thiếu sót trong lần tôn tạo ngôi mộ liệt sĩ chung gần đây nhất vào năm 2007.

Trước Cách mạng Tháng 8-1945, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có nhiều cuộc khởi nghĩa của các tổ chức, nhân dân diễn ra tại nhiều địa phương. Nổi lên là Cuộc binh biến Đô Lương, Nghệ An, của những người lính khố xanh đang phục vụ trong lực lượng quân đội Pháp.

Nỗi buồn của ông Nguyễn Quốc Huy khi 13 năm nay sau lần tôn tạo gần đây nhất trên phần mộ chung có hài cốt của bác mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Bát lại không còn được xưng danh trên bia mộ và bia dẫn tích

Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Văn Cung (tức Đội Cung PV) cùng hàng chục binh sĩ khố xanh diễn ra nhanh chóng nhưng do chưa có kinh nghiệm, nóng vội..., nên sớm bị dập tắt. Cuộc binh biến tiền cách mạng này đã được đưa vào sách giảng dạy cho học sinh phổ thông cơ sở hiện nay.

Cụ thể, sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp năm 1930 -1931, Đảng ta rút về hoạt động bí mật. Được cơ sở cung cấp, ta biết được Nguyễn Văn Cung là lính khố xanh, đóng tại nội thành Vinh, phục vụ trong nhà giam Vinh là “thủ lĩnh” tinh thần của những người lính khác. Tổ chức của ta đã cảm hóa được Nguyễn Văn Cung và nhiều lính khố xanh khác theo Cách mạng.

Ngày 8-1-1941, khi Nguyễn Văn Cung được quân địch đề bạt lên làm Đội trưởng thì 5 ngày sau (13-1) ông cùng hàng chục binh sĩ đã phát lệnh khởi nghĩa, chiếm được Đồn Rạng, Đồn Đô Lương, tiêu diệt tên Đồn trưởng đồn Đô Lương, rồi dùng xe ô tô chạy về chiếm Trại giam Vinh, TP. Vinh, ứng cứu các tù nhân tại đây. Nhưng cuộc khởi nghĩa bị địch đàn áp, nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Nguyễn Văn Cung cùng nhiều người khác bỏ trốn, sau đó bị chúng bắt đưa ra Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò và ngày 20-1-1941, Tòa án binh Pháp đưa Đội Cung cùng 51 binh sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa ra xét xử. Đội Cung cùng 10 người khác bị kết án tử hình và 2 ngày (23-4-1941) sau thi án tại 3 địa điểm gồm: Đồn Rạng, phủ Đô Lương và trường bắn Vinh. Tại điểm Vinh, 4 chiến sĩ đứng đầu cuộc khởi nghĩa, gồm Nguyễn Văn Cung (tức Đội Cung), Bùi Văn Tính (tức Bếp Tính), Nguyễn Văn Bát và Nguyễn Văn Khôi, chôn chung ở một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Tập Phúc, TP. Vinh.

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, năm 1946 hài cốt 4 liệt sĩ bị xử bắn tại trường bắn Vinh trong một ngôi một tập thể được di dời về khu vực cổng Chốt, TP. Vinh, điểm giao nhau giữa đường Đội Cung và đường Đào Tấn hiện nay.

Ngôi mộ chung được được đắp nổi 4 ngôi sao vàng 5 cánh, dưới ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi ơn”. Trên văn bia dẫn tích cũng như bia mộ chí được ghi đầy đủ họ tên của 4 liệt sĩ theo thứ tự: Nguyễn Văn Cung, Bùi Văn Tính, Nguyễn Văn Bát, Nguyễn Văn Khôi.

Tuy nhiên, qua thời gian và sự hư hại do thời tiết, nên ngôi mộ được trùng tu, tôn tạo thêm nhiều lần khác. Nhưng, đáng tiếc là lần tôn tạo gần đây nhất - năm 2007, bia mộ lại chỉ để tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Cung.

Gia đình các thân nhân liệt sĩ đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng địa phương để ghi lại văn bia cho đủ tên 4 liệt sĩ, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Vĩnh Thịnh - Phó chủ tịch UBND TP. Vinh cho biết: “Sau khi nắm được thông tin trên, tôi đã trực tiếp giao cho UBND phường Đội Cung làm việc, thu thập các tài liệu liên quan có báo cáo cho UBND TP. Vinh để sớm bổ sung lại cho đủ tên 4 liệt sĩ…”.

Một việc sơ suất lẽ ra không được phép sơ suất, lại kéo dài tới 13 năm mà vẫn chưa sửa được thì đúng là tắc trách thật. Hy vọng các cấp có thẩm quyền TP. Vinh sẽ sớm sửa lại ngôi mộ ngay trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh - liệt sĩ 27.7.1947 - 27.7.2020).

Xuân Hòa