Ngày 12-5,  UBND T.P Hà Nội - Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp tổ chức sự kiện đi bộ với thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

Đã từ rất lâu, rượu bia đã là nguyên nhân gây ra các thảm họa gây thương tích, chết người, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nước ta. Dẫn chứng mới nhất, ngày 1-5, đối tượng Lê Trung Hiếu trong tình trạng say xỉn đã lái xe ô-tô đâm hai phụ nữ trong hầm chui Kim Liên (Hà Nội). Trước đó, đêm 22-4, lái xe Đỗ Xuân Tuyên, cũng ở Hà Nội sau khi uống bia rượu say đã lái xe ô-tô đâm vào một công nhân môi trường, sau đó tiếp tục đâm vào nhiều phương tiện khác... Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu hơn 300 bệnh nhân bị thương tích do tai nạn, riêng TNGT có lúc đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày. Phần lớn những bệnh nhân tới Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nghiêm trọng, chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao, số còn lại nếu sống thì phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Uống rượu bia rối lái xe gây tai nạn cho người khác, một người bình thường đã thành kẻ giết người… Càng nói về chuyện uống rượu uống bia say xỉn rối lái xe, đâm chết người lại càng buồn.

Việt Nam nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam, đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, Hơn nữa, mỗi năm nước ta cũng đã sử dụng 200 triệu lít rượu tự nấu. Chi phí cho tiêu thụ rượu bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, đứng thứ 29 trên thế giới. Bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Hậu quả gây ra do tai nạn giao thông là vô cùng lớn.

Theo thống kê của ngành chức năng, có ít nhất 40% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia. Nguyên nhân của TNGT do vi phạm nồng độ cồn tại nước ta còn chiếm tỷ lệ cao do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa của người dân về uống rượu bia đã tồn tại từ lâu. Ở nước ta, nhất là tại các thành phố lớn, tình trạng uống rượu bia tới mức say xỉn vẫn nhan nhản từ lâu nay. Sau các dịp nghỉ lễ, tết, những cuộc gặp gỡ, sum vầy không thể thiếu rượu bia, uống  tới say xỉn nhưng vẫn lái xe ra đường để rồi đâm vào người khác. Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong quý I -2019, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Khi phân tích nguyên nhân gây TNGT gần 1.500 vụ, TNGT do lái xe sử dụng rượu bia chiếm tới 270 vụ. Tỷ lệ này cho thấy, người uống rượu bia thiếu tỉnh táo vẫn cầm vô-lăng đang là thực trạng hết sức đáng báo động, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn chỉ 0,05mg/l khí thở đã khiến giảm sút năng lực phản xạ từ 10 đến 30% và bị kích động nhẹ; chạy xe tốc độ cao vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, dễ gây buồn ngủ. Nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe mà không hề nghĩ đến hậu quả, không quan tâm sự an toàn của bản thân và mọi người, lúc nào cũng cho là mình không say dẫn tới gây TNGT để lại hậu quả nặng nề.

Những năm qua, các ngành chức năng đã nói nhiều, làm nhiều, luật hóa các quy định về rượu bia và an toàn giao thông…Công tác tuyên truyền, vận động về hạn chế rượu bia, giữ an toàn giao thông được các tổ chức đoàn thể xã hội tiến hành khá thường xuyên và sâu rộng. Chất lượng công tác đào tạo lái xe được thắt chặt hơn. Trong bốn tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý gần 50 nghìn trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn…Tất cả đều hướng đến mục tiêu hạn chế các tai nạn giao thông ở mức tối thiểu.

Ngày 12-5, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với TP Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu, bia - không lái xe" với sự tham gia của hơn 8.000 học sinh, sinh viên, công chức, công nhân môi trường. Nhiều người mang theo băng rôn với khẩu hiệu "Đã lái không uống, đã uống không lái", "Tuổi trẻ nói không với rượu bia"... Tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình - Phó thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, mỗi người hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Thiết nghĩ, đây chính là việc phải làm của mỗi người để góp phần bảo vệ an toàn cho mình và cho mọi người.

Quốc Huy