Đồng chí Vũ Ngọc Bình (thứ hai trái sang) cùng đoàn Kiểm tra công tác kinh tế tham quan mô hình làm kinh tế giỏi của CCB Vũ Văn Hạ (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

* 6 tháng đầu năm 2020, toàn Hội xóa được 10.167 hộ CCB nghèo

6 tháng đầu năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát, cũng như các đối tượng khác, không ít hội viên CCB gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Nhưng nhờ chủ động, sáng tạo, bám sát tình hình thực tế của T.Ư Hội CCB Việt Nam và Hội CCB các cấp nên công  tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo, giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên vẫn đạt được kết quả cao. Tạm tính đến 30-4-2020, toàn Hội đã có 30.539 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV); Hơn 1 triệu CCB được vay vốn với tổng dư nợ ủy thác gần 35 tỷ đồng.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời với hướng dẫn, chỉ đạo, T.Ư Hội CCB đã triển khai kiểm tra công tác kinh tế và thực hiện ủy thác của Ngân hàng CSXH tại 4 tỉnh Hội, đảm bảo vốn vay phát huy hiệu quả, đối tượng vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi nhằm nâng cao chất lượng các nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH địa phương tổ chức 230 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 10.500 cán bộ, hội viên và tổ trưởng tổ TKVV; phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức 109 lớp tập huấn xóa đói giảm nghèo cho 9.500 cán bộ, hội viên; phối hợp với Ngành Nông nghiệp địa phương tổ chức 175 lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 8.700 cán bộ, hội viên CCB... có kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt nên kinh tế phát triển bền vững, không những bảo toàn được đồng vốn mà còn giúp gia đình CCB nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập; học sinh, sinh viên là con, em hội viên CCB có điều kiện đi học tốt hơn.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, toàn Hội xóa được 9.988 hộ CCB nghèo. Số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm 0,31% so với năm 2019. Hộ cận nghèo giảm 0,21%. Đã có 4.635/10.937 xã, phường, thị trấn; 217/704 huyện, thị, thành phố; 37/63 tỉnh, thành Hội cơ bản hết hộ CCB nghèo; hộ khá, giàu là 55,89%.

"Không chỉ cho vay vốn ưu đãi, mà Ngân hàng CSXH và Hội CCB còn hướng dẫn cách làm theo khoa học kỹ thuật, nên “một vốn bốn lời”. Tôi sẽ cố gắng làm theo và giúp đỡ cả những hội viên khác” - CCB Lê Văn Hiền (thôn Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) phấn khởi nói với chúng tôi.

Trước đây, gia đình ông Hiền là hộ nghèo. Từ khi được vay 50 triệu đồng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, ông cần cù chịu khó khai khẩn, cải tạo đất đồi để trồng keo, tiêu; chăn nuôi lợn, gà. Nhờ đó, đến nay gia đình ông đã có 2ha keo, 1ha tiêu, hàng trăm con lợn, gà, thu hoạch trung bình hàng trăm triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế Hội CCB Việt Nam cung cấp rất nhiều thông tin cập nhật chính xác, cụ thể mà không cần phải xem tài liệu. Ông khẳng định: “Hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc làm quan trọng của Hội CCB Việt Nam, giúp CCB có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế”.

Tôi được biết không chỉ mang chính sách tín dụng ưu đãi tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH còn giúp người nghèo, người yếu thế, nhất là CCB và đối tượng chính sách biết cách quản lý, sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả; hướng đến mục tiêu cuối cùng là tự tin hòa nhập, làm chủ cuộc sống.

Đồng chí Vũ Ngọc Bình cho biết: “Hiện nay toàn Hội còn 1.726 xã chưa có tổ TKVV do CCB quản lý (xã trắng chiếm 15,74%), T.Ư Hội CCB Việt Nam đang tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH để chỉ đạo phủ khắp”.

Hồ Thanh Hương