Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban quân quản thành phố ra mắt ngày 7/5/1975.

45 năm qua, kể từ khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi rực rỡ, đây là lần đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân  bước vào một cuộc chiến “tam toàn” (toàn dân, toàn diện, toàn lực). Trải qua thử thách cam go và kết quả đạt được trong cuộc chiến chống giặc Covid-19, cho phép chúng ta tự hào nói rằng, ở Việt Nam, chỉ duy nhất Đảng ta mới có đủ tư cách, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm… lãnh đạo đất nước vượt qua chông gai, bão tố giành thắng lợi huy hoàng. Đảng ta  - người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chân lý đó là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử…

Nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khoảng thời gian này nhịp sống ở T.P Hồ Chí Minh và cả nước đã diễn ra rất sôi động. Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 45 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2020). Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu là tâm điểm của chuỗi hoạt động kỷ niệm.

Dịp 30-4 là thời điểm đất mẹ Việt Nam dang rộng vòng tay đón những cánh chim muôn phương bay về tổ ấm hòa chung niềm vui “Ngày hội non sông”. 45 mùa Xuân, khoảng thời gian ấy chưa phải quá dài, nhưng cũng đủ để chúng ta chiêm nghiệm về những giá trị kết tinh trong lịch sử, văn hóa.

Chiến thắng 30-4 là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thế hệ những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”, đến nay lưng đã còng, tóc đã bạc, nhiều người đã đi về thế giới vĩnh hằng. Thành quả cách mạng cha anh để lại cho chúng ta là sự kế thừa, phát huy những giá trị tinh túy của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong suốt chiều dài bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Khi học tập, nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhiều người trong giới chuyên gia và du học sinh quốc tế tại Việt nam bày tỏ ngạc nhiên, thán phục trước thực tế: Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, khoảng thời gian thực sự có hòa bình của các thế hệ người dân con Rồng cháu Tiên rất ít. Triền miên chiến tranh từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy nên hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.

Không một ai trên đất nước này mong muốn có chiến tranh để ngày mai ra trận. Nhưng khi đất nước có giặc thì không một gia đình nào từ chối đưa con em mình ra tiền tuyến. Dọc dài đất nước này, vùng quê nào cũng có Nghĩa trang Liệt sĩ; dòng họ nào cũng có Anh hùng, gia đình nào cũng có con em là Bộ đội Cụ Hồ, xóm thôn nào cũng có gia đình chính sách...

Chiến tranh là cuộc sát hạch toàn diện. Ở đó, chiến thắng không thuộc về bên nào có vũ khí mạnh hơn, có tiềm lực quân sự, kinh tế cao hơn, mà nằm ở sức mạnh của toàn dân. Mất mát, đau thương, tang tóc đến tột cùng, nhưng trên đất nước này chưa bao giờ có không khí bi lụy, tuyệt vọng. Càng gian nguy, càng sống trong gông cùm, xiềng xích thì khát vọng tự do, hòa bình, độc lập càng thôi thúc mãnh liệt...

45 năm trôi qua! Không ai muốn nhắc lại đau thương, mất mát, nhưng sẽ là có tội với dân tộc nếu chúng ta lãng quên xương máu cha ông. Đáng buồn là trong lúc Đảng ta đã có những chính sách nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ, mong muốn người dân Việt Nam trên khắp thế giới, hãy chung sức, chung lòng hướng về quê cha đất tổ thì là đâu đó vẫn còn các hoạt động chống phá.

Chúng ngụy tạo chứng cứ lịch sử để kích thích tư tưởng hận thù, đẩy mạnh âm mưu kích động chia rẽ hòa hợp dân tộc. Cái gọi là “Ngày quốc hận 30-4” mà chúng rêu rao, thực chất là để đào sâu hố ngăn cách giữa Đảng và nhân dân ta với kiều bào, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với đất nước, nhân dân.

Đất nước ta, nhân dân ta đã trải qua quá nhiều thử thách. Những cuộc thử thách của toàn dân, toàn diện, toàn lực trong đấu tranh giải phóng dân tộc mãi là bài học lịch sử vô giá để chúng ta huy động sức dân, đương đầu với những khó khăn, thử thách, hoạn nạn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ bình yên cho cuộc sống muôn dân...

Cứ ngỡ thuật ngữ “sống chậm” chỉ là ngôn ngữ của giới trẻ trên thế giới mạng, nào ngờ có lúc, nó lại trở thành phương châm hành động của mỗi người dân Việt Nam. Hơn 320 năm hình thành và phát triển, chưa bao giờ đô thị từng được người Pháp nuôi tham vọng sẽ biến nó thành một “Paris” thứ hai ở Đông Dương, lại có cảnh im ắng, vắng vẻ đến lạ kỳ như những ngày qua.

Phố xá như dài ra, rộng hơn với những con đường, lối hẻm sâu hun hút. Không gian yên ắng đến mức, chỉ một tiếng gà nhà ai trong góc phố gáy muộn cũng đủ khuấy động ban mai. Chỉ một cánh chim bay bên ban công cao ốc cũng làm xốn xang cả vòm trời. Một nhành hoa bung nụ trong làn gió thoảng cũng đủ kéo ta trở về mênh mông ký ức... Người dân T.P Hồ Chí Minh đón mừng “Ngày hội non sông 30-4” trong bầu không khí “sống chậm”, tất cả vì mục tiêu chiến thắng đại dịch Covid-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc...

Trong khung cảnh ấy, người thành phố có không gian để hoài niệm về một thời Sài Gòn - Gia Định ngày xưa với khung cảnh đẹp mê hồn của những công trình kiến trúc cổ, có tuổi đời hàng trăm năm. Nét đặc trưng ở đô thị sầm uất nhất khu vực Nam Bộ này là sông rạch. Những con sông chảy xuyên qua thành phố, tạo nên nhịp sống tấp nập, nhộn nhịp  “trên bến dưới thuyền”, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”…

Ngày nay, những phong tục sinh hoạt truyền thống của người Sài Gòn xưa vẫn được lưu truyền. Các giá trị bản sắc hội tụ trong đường ăn nết ở, hành vi ứng xử của con người. Hào hiệp, phóng khoáng, nghĩa tình... là những nét đặc trưng của các thế hệ cư dân Sài Gòn xưa, T.P Hồ Chí Minh hôm nay. Những ngày “sống chậm” để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, chúng ta có cơ hội được chứng kiến những nét đẹp truyền thống ấy thể hiện sinh động ở khắp nơi.

Cuộc sống thường ngày của hơn 10 triệu dân trong thành phố chủ yếu diễn ra sau những ô cửa. Chỉ những người thực sự có việc cần thiết mới ra đường. Trên đường phố nắng vàng trải mênh mông, đội ngũ những người giao hàng tỏa đi từ các siêu thị, điểm bán hàng, vận chuyển đồ dùng, hàng hóa đến tận từng hộ gia đình. Thỉnh thoảng lại có những cửa hàng, quán ăn “0 đồng”, cung cấp suất ăn từ thiện miễn phí cho người nghèo.

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, lối sống hào hiệp, nghĩa tình của người dân T.P Hồ Chí Minh thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Vẫn con đường ấy, vẫn những khu phố ấy, thường ngày là khung cảnh kẹt xe, tắc đường, ồn ã tiếng tàu xe, nhộn nhịp người qua lại, thế mà bây giờ lại trống trải, im ắng đến lạ thường.

Một số bậc cao niên cảm thán rằng, các cụ sống ở thành phố này từ thời Pháp thuộc. Trải qua hai cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đây là lần đầu tiên  chứng kiến và trải nghiệm phong cách “sống chậm” kiểu như thế này.

Sau đại dịch này, giới cầm bút sẽ có rất nhiều điều để nói, để viết về thành phố này, đất nước này và cả thế giới này.

Quả là thế giới văn minh phát triển càng nhanh thì cuộc sống con người và vạn vật càng tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Đại dịch Covid-19 là một cuộc sát hạch “tam toàn”, đó là toàn dân, toàn diện, toàn lực.

Thử thách từ cuộc chiến chống dịch Covid-19 giúp thế giới hiểu rõ hơn về tính ưu việt của các chế độ xã hội, về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy quyền lực ở mỗi quốc gia, và điều quan trọng nhất, đó là thước đo niềm tin, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân đối với chính thể cầm quyền.

Sống trong khung cảnh phố xá im ắng, trong lòng mỗi người dân đô thị lại dậy lên niềm tin son sắt, kết thành sức mạnh vô song. Chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch. Đó là sự khẳng định của một chân lý, bởi, thực tế đời sống xã hội sự thể hiện chân thực niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nguyện một lòng theo Đảng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Khi có sự đồng lòng, đồng thuận của toàn dân, Đảng ta sẽ tạo nên sức mạnh toàn lực, toàn diện để chiến thắng mọi khó khăn, thách thức mà cuộc chiến chống giặc Covid-19 là một phép thử cam go...

Tùy bút của Phan Tùng Sơn