Covid-19 không chỉ là đại dịch mà thực sự đã trở thành thảm họa y tế toàn cầu. Tất cả các quốc gia phát triển nhất thế giới, với hệ thống y tế hiện đại đã trải qua hàng trăm năm xây dựng đều không thể ngăn chặn đại dịch hiệu quả.

Nguyên thủ các nước này đều đã cảnh báo đến người dân về những hậu quả to lớn mà họ sẽ phải gánh chịu trong 1-2 tuần tới. Trong khi đó, tại Việt Nam, công cuộc phòng, chống Covid-19 lại đang được đánh giá cao với sự vào cuộc chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân.

Ở Việt Nam, từ ca nhiễm thứ nhất đến ca nhiễm thứ 100 là 57 ngày, trong khi mức trung bình của thế giới là 30 ngày. Đặc biệt, từ ca nhiễm 100 đến ca nhiễm thứ 1.000 của thế giới là 7-9 ngày; thì tại Việt Nam, sau 7 ngày chỉ có 171 ca, sau 9 ngày chỉ có 203 ca.

Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trực Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã đánh giá: Chúng tôi xem phương pháp chống Covid-19 giai đoạn 1 ở Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu để chia sẻ với thế giới. Không một nước nào, theo tôi được biết, có thể giảm con số mắc bệnh trong giai đoạn 1 về không như Việt Nam đã làm được (16/16 ca nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn 1 đều được chữa khỏi).

Mức độ kiểm soát đại dịch của Việt Nam tăng tiến dần, từ dừng các chuyến bay vào Việt Nam, cho đến dừng tiếp nhận người nước ngoài và bây giờ là người Việt Nam nhập cảnh. Điều này giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình. Các biện pháp cũng dần được Chính phủ thắt chặt, phù hợp và chủ động trước diễn tiến của dịch bệnh.

Sự công nhận của quốc tế đối với Việt Nam còn đến từ chính những người ngoại quốc tại Việt Nam. Một bệnh nhân người Anh, khi được chữa bệnh tại Việt Nam đã viết trên mạng xã hội: “Ở Anh tôi sẽ không được chăm sóc chu đáo như vậy, vì có rất nhiều người bệnh và y tế không thể đương đầu nổi. Nếu tôi bị bệnh này ở Anh, tôi sẽ không được chụp X-quang và phổi vì bệnh của tôi chưa nặng... Chắc chắn rồi, tôi sẽ kể với người thân mọi thứ ở đây thật tuyệt vời. Cảm ơn Việt Nam, các bạn đã cứu sống tôi”.

Ông Boby Chinn - người New Zealand, khi chứng kiến cảnh toàn dân chống dịch tại Việt Nam đã viết: Tôi không thể tin được một đất nước như Việt Nam có thể mạnh đến mức này trong thời kỳ khủng hoảng. Thật đáng kinh ngạc. Tôi yêu Việt Nam rất nhiều. Khi tôi nghĩ về Việt Nam, tôi xin cúi đầu trước họ với tất cả sự tôn trọng. Bà Shan - du khách người Ireland, khi được xuất viện nói rằng: “Tôi là một điều dưỡng viên đã nghỉ hưu nên tôi biết rằng mình đã gần với cái chết thế nào, tôi rất biết ơn Việt Nam”.

Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói thiếu thiện chí về “sức mạnh Việt Nam” trong phòng, chống Covid-19. Trên một vài tờ báo ở nước ngoài, vẫn có người cho rằng Việt Nam chỉ “ăn may”, họ đã không làm gì nhiều, với khí hậu nóng và ẩm ướt, đó là lý do vì sao Covid-19 không lây lan rộng ở đó. Ngay lập tức, anh Aaron Johson - một thanh niên người Mỹ đã phản bác: “Thực tế là một nửa đất nước (Việt Nam) đã trải qua thời tiết lạnh và ẩm ướt kể từ khi đợt virus đầu tiên bùng phát. Đặc biệt là Hà Nội, một thành phố với hàng triệu dân đã lạnh và ẩm ướt, mưa trong nhiều tháng. Mọi người cứ hỏi tôi vì lo lắng khi tôi sống ở Việt Nam, nhưng giờ tôi lo hơn cho tất cả các bạn vì tôi đang ở nơi an toàn nhất thế giới - Việt Nam”.

Nhiều bài báo quốc tế nhận định, Việt Nam đã chứng tỏ rằng, chỉ cần một tinh thần đồng lòng, hợp lực, tương thân tương ái trên cả nước là đủ để vượt qua dịch bệnh. Truyền thống yêu nước được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, nhất là những chiến thuật của tổ tiên trước đó, như là “vườn không nhà trống” đã được triển khai trong tham gia đóng các cửa hàng kinh doanh không cần thiết, động viên mọi công dân “ngồi yên khi Tổ quốc cần”. Hay như việc, toàn xã hội đã thể hiện “tính kiên nhẫn và khiêm nhường thay vì cứ tiến lên mà đâm đầu vào tường, hoặc là cứ chiến đấu với kẻ địch mà mình biết không thể chiến thắng ngay bây giờ”.

Đánh giá nguyên nhân thành công của Việt Nam, Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam - TS. John Blandford cho rằng: “Để cảnh báo y tế, người dân liên tục nhận được tin nhắn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, khuyến cáo phòng dịch đến từng người, trong đó có cả người nước ngoài. Việc gửi thông báo này là cách làm độc đáo của Việt Nam. Nó giúp số đông an tâm vì họ nhận được thông tin chi tiết qua tin nhắn, từ đó làm theo hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

Nhưng có lẽ, còn một nguyên nhân quan trọng khác, đó là người dân Việt Nam có niềm tin lớn lao vào Đảng, Chính phủ trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục, công bố ngày 30-3 cho biết: “So với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới”.

Đó là câu trả lời có tính quyết định nhất!

Nguyễn Hồng