Lực lượng đối lập dễ dàng tiến vào các thành phố của Syria.
Trong khi tình hình miền nam Liban vẫn căng thẳng bất chấp Israel và phong trào Hezbollah đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 27-11, thì cũng vào ngày này, các lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS - tiền thân là Jabhat al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda trước đây) lãnh đạo và được hỗ trợ bởi các nhóm đồng minh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bất ngờ mở đợt tấn công dữ dội vào lãnh thổ do Chính phủ Syria kiểm soát tại miền bắc Syria.
Đến ngày 29-11, các tay súng tiến vào thành phố lớn thứ hai Aleppo vốn do chính phủ Syria làm chủ từ năm 2016. Ngày 5-12, họ chiếm được T.P Hama lớn thứ tư của Syria. Ngày 6-12 tiến vào T.P Homs lớn thứ ba đất nước, cắt đứt kết nối của thủ đô Damacus với một khu vực rộng lớn của Syria cũng như biển Địa Trung Hải. Ngày 8-12, lực lượng đối lập tiến vào thủ đô Damascus mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể từ quân đội chính phủ; Tổng thống Bashar al-Assad cùng gia đình rời khỏi Syria bay sang Nga và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình; Thủ tướng Mohammed al-Jalali thì tuyên bố: “Sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn và sẵn sàng cho quá trình chuyển giao”.
Các nhà phân tích cho rằng mở cuộc tấn công lần này, các nhóm đối lập đã được tái tổ chức, tái vũ trang, đào tạo và đã vượt qua rào cản sợ hãi trước đây. Mặt khác, họ đã biết tận dụng cơ hội khi đồng minh chủ chốt là Nga đang tập trung nhân lực và tài nguyên cho cuộc chiến tại Ukraine; các đồng minh quan trọng khác là Iran, Hezbollah và các nhóm dân quân người Shiite đều bị mắc kẹt và suy yếu trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza. Và theo Chính phủ Syria, cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy được hỗ trợ bởi hàng nghìn chiến binh cùng vũ khí hạng nặng và một số lượng lớn máy bay không người lái nước ngoài. Damascus cũng cho rằng một số quốc gia ủng hộ lực lượng đối lập với mục đích gia tăng áp lực lên Tổng thống Assad để đạt được lợi ích chiến lược của mình. Không phải ngẫu nhiên mà thủ lĩnh HTS là Abu Mohammad al-Jolani công khai mục tiêu của nhóm khi mở chiến dịch là lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
Sự kiện này lần nữa cho thấy chưa bao giờ chính thức kết thúc cuộc nội chiến Syria - vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người và khiến gần 6 triệu người phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn. Đây là cuộc nội chiến bùng phát vào tháng 3-2011, khi các lực lượng nổi dậy với các hệ tư tưởng khác nhau được truyền cảm hứng từ “Mùa xuân Ả-rập” đã liên kết trong cuộc chiến nằm mục tiêu chung là lật đổ chính phủ Tổng thống Assad. Các lực lượng này nhận được sự hỗ trợ từ các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và các nước phương Tây trong đó có Mỹ. Sau nhiều năm giao tranh, lực lượng chính phủ Syria được Nga, Iran và nhóm Hezbollah hỗ trợ đã chiếm lại phần lớn lãnh thổ bị phiến quân chiếm giữ. Nhưng các nhóm tàn quân vẫn duy trì quyền kiểm soát các khu vực của đất nước; Mỹ vẫn triển khai quân ở miền đông Syria.
Diễn biến tình hình nhanh chóng ở Syria khiến nhiều nước bất ngờ, đặc biệt, không mấy ai nghĩ rằng quân đội Syria lại mong manh đến vậy. Họ liên tục thông báo về việc “tái triển khai” khỏi các thành phố khi rút lui, nhưng lại không thiết lập được các phòng tuyến để chặn bước tiến của lực lượng nổi dậy. Theo chuyên gia quân sự của Al Jazeera thì thực tế trước đây, các trận chiến chủ yếu được tiến hành bởi các lực lượng thân Iran với sự hỗ trợ của không quân Nga. Khi không có sự hỗ trợ từ không quân Nga và các lực lượng thân Iran không thể tham chiến thì những gì còn lại là một tổ chức không có tinh thần, lãnh đạo kém, trang bị kém.
Với việc quân nổi dậy chiếm được Damascus và Tổng thống Assad rời khỏi đất nước, có thể bước ngoặt lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ tại Syria đã xuất hiện. Trước hết, thêm một đòn giáng mạnh vào Iran sau khi “cánh tay kéo dài” của họ ở Liban là Hezbollah bị suy yếu nghiêm trọng do tiềm lực quân sự bị hủy diệt bởi chiến dịch ném bom kéo dài nhiều tuần của quân đội Israel. Thứ hai, kết cục này làm dấy lên lo ngại về làn sóng bất ổn mới trong khu vực khi Syria có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn và trở thành mảnh đất màu mỡ cho những mối đe dọa mới, đặc biệt là nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy trở lại và một thảm họa nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này.
Đăng Song