Ngày cả nước thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là “vi phạm nồng độ cồn”), cũng là ngày Đại đội Đặc công M tổ chức gặp măt truyền thống kỷ niệm “Ngày đơn vị đi B”. Kể từ khi tôi tham gia viết bài về khu mộ tập thể của đơn vị thì hầu như năm nào đơn vị tổ chức gặp mặt tôi cũng được mời dự.

Tất cả đều là CCB, đều đi xe cá nhân, tuổi lại cao, nên buổi liên hoan quyết định không uống rượu, bia. Cũng chưa thật quen, nhưng hơn hẳn các lần gặp mặt trước là mọi người đều tỉnh táo. Và cũng có lẽ vì thế mà “đề tài” xoay quanh chuyện làm thế nào để duy trì được việc chấp hành quy định rất cần thiết và nhân văn trên,  trở nên rôm rả nhất.

Nhiều ý kiến, nhiều giải pháp nghe ra chưa có hồi kết...  

Vẫn ở vai trò dẫn dắt, anh H. - nguyên Chính trị viên Đại đội ra hiệu cho mọi người trật tự chuyển sang phần ôn lại trận đánh gây tổn thất lớn nhất của đơn vị.

Số là, đêm đầu năm 1974, đại đội đặc công M được lệnh tập kích vào đơn vị phía Nam của địch ở đầu cầu Sài Gòn. Nhưng... trận đánh đã thất bại, gần như toàn bộ đơn vị hy sinh, nguyên nhân chỉ vì chiến sĩ trinh sát báo cáo sai số hàng rào bảo vệ của địch.

Chuyện buồn đó cả đơn vị hầu như ai cũng thuộc. Nhưng hôm nay anh H. lại “bẻ ghi” liên hệ sang chuyện duy trì quy định “vi phạm nồng độ cồn” và cho rằng  cảnh sát giao thông có tính quyết định như chiến sĩ trinh sát.

Đúng là khó nhất của khó nhất.

Khi mà Quốc hội thông qua Luật trên, tỷ lệ chênh lệch giữa đồng ý và không đồng ý chỉ là 2 phiếu; khi mà nạn uống rượu bia đang còn tràn lan ở khắp nơi trên đất nước ta; khi mà quyết định xử phạt người vi phạm với mức rất cao; khi mà đồng lượng, chính sách ưu đãi của cảnh sát giao thông cũng còn hạn hẹp...

Nhưng cũng đúng là, nếu xử phạt lại không minh bạch; “nặng”, “nhẹ” bỏ người này, phạt người kia... thì quy định sẽ thất bại. Và như thế niềm tin của dân vào “thanh bảo kiếm” lại tiếp tục vơi đi!

NHẬT NGUYỄN