Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2023) Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách và Câu lạc bộ cùng tên “Trái tim người lính miền Tây” tại nhà hát Trần Hữu Trang- số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, T.P Hồ Chí Minh.
Tham dự sự kiện ý nghĩa này, có các Nhân chứng Lịch sử tiêu biểu, các Anh hùng LLVTND, các Tướng lĩnh Quân đội, Công an và các Cựu chiến binh nhiều thế hệ, là nhân vật của sách, cùng một số Nhân chứng lịch sử đã và đang đồng hành với “Trái tim người lính miền Tây”…
Về phía Ban Tổ chức sự kiện, có Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng – Người sáng lập, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”; Tiến sĩ Luật sư Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (Đơn vị bảo trợ truyền thông và đồng hành với các chương trình của “Trái tim người lính” và “Mãi mãi tuổi 20”); Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Minh Phúc – Phó Bí thư Đoàn trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đại diện Hội đồng Quản lý CLB “Mãi mãi tuổi 20”; Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung – Trưởng Ban vận động thành lập TTNL Miền Tây; Thường trực BTC sự kiện; ThS. Đặng Thị Ngọc Bích (nguyên Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) – Thường trực BTC sự kiện; Và Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Kim Loan.
Chỉ ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn – Gia Định thực hiện âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Đã gần 80 năm trôi qua, nhưng tinh thần “Nam Bộ kháng chiến” và truyền thống đoàn kết chiến đấu bảo vệ quê hương, vẫn in đậm trong “Trái tim người lính miền Tây Nam bộ”.
“Nam Bộ kháng chiến” không chỉ ngăn chặn một bước âm mưu xâm lược của kẻ thù, đập tan mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh của người Pháp, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước, chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài. “Nam Bộ kháng chiến” đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 và sau này là cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam…
Miền Tây Nam Bộ là cách người Việt gọi dân dã vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh thành: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Nhìn lại lịch sử, có lẽ do thừa hưởng tính cách của ông cha, tổ tiên từ xưa đã đến vùng đất này để mở cõi, khai hoang và lập đất. Nhờ thiên thiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, ít bão lũ thiên tai, nên người miền Tây cũng sống ít lo xa hơn dân các vùng khác. Họ không tằn tiện, tiết kiệm, chỉ làm đủ ăn, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, tới đâu hay tới đó và biết hài lòng với những gì đang có. Tuy không giàu sang, nhưng lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc.
Những người lính sinh ra tại miền Tây và cả những ai sống chiến đấu tại vùng đất này, đều ít nhiều mang trong mình tính cách của người vùng sông nước: sống phóng khoáng, hào hiệp, rộng rãi, xởi lởi và trọng nghĩa tình, coi nhẹ tiền bạc, vật chất. Người miền Tây hiếu khách, luôn sẵn lòng chào đón bạn đến tá túc tại nhà. Họ niềm nở tiếp đón cơm rượu như người nhà ở xa mới về. Ai cũng giản dị, mộc mạc và đơn giản “đã làm thì làm chết thôi, đã chơi thì phải chơi xả láng”. Họ thường đánh giá cao những con người bản lĩnh, dũng cảm, dám di chuyển và dám thay đổi.
Theo Đại tá, Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng (Người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam) cho biết: Là một tổ chức có pháp nhân, nhưng phi lợi nhuận, với tôn chỉ mục đích “Kết nối và chia sẻ, Tôn vinh và tri ân”, những năm qua “Trái tim người lính” đã quy tụ được hơn 200.000 thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Với nhiều hoạt động có nội dung nhân văn như tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách tư liệu vô giá “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Trung tâm Tư liệu Trái tim nguời lính”. Các hoạt động đó không chỉ kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía, để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hoà hợp dân tộc; mà "Trái tim người lính" còn hướng tới đối tượng là những người trẻ, nhưng đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới; góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và Ngoại giao nhân dân; lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội... Các sự kiện tri ân của Tổ chức “Trái tim người lính” đều mang tính công khai, minh bạch và có sự chứng kiến của báo giới. Riêng trong năm 2023, có ba Câu lạc bộ chính thức ra mắt với 3 cuốn sách cùng tên: “Trái tim người lính miền Tây”, “Trái tim người lính Thủ đô” và “Trái tim người lính Vị Xuyên”…
Nhà báo Lê Lành (Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Phương Nam”) đã giới thiệu: Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung là một người con của miền Tây Nam Bộ. Anh có quê gốc tại Trà Vinh, sinh trưởng ở Sài Gòn, từng mặc áo lính từ khi còn rất trẻ, đã đi qua “cuộc chiến bắt buộc” bảo vệ biên giới Tây Nam và có mặt trong “Đội quân nhà Phật” giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và góp phần hồi sinh cho một dân tộc. Hơn thế, Nguyễn Công Trung còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, làm Trưởng đoàn Thiện nguyện Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam và trợ giúp cho nhiều đồng đội từng mặc áo lính, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó cũng chính là lý do anh được đề cử đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản lý CLB “Trái tim Người lính miền Tây”.
Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, nguyên là Phó vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại diện tại các tỉnh phía Nam. Sau nghỉ công tác quản Nhà nước theo chế đô, chị đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng mang tính nhân văn. Là người “mang trong mình trái tim người lính”, với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong lĩnh vực Tư tưởng và Văn hóa, chị đã tự nguyện tham gia Tổ chức “Trái tim người lính”, với hi vọng tiếp tục cống hiến những đam mê và nhiệt huyết của mình cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó là nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Kim Loan, một người miền Tây đã nhiều năm năng nổ nhiệt tình với công tác xã hội từ thiện, cùng được tiến cử làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính miền Tây”.
Một danh sách Hội đồng Cố vấn 4 Tướng lĩnh và 22 thành viên khác được mời tham gia Hội đồng Điều hành của “Trái tim người lính miền Tây”.
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt “Trái tim người lính miền Tây”, Đại uý, Cựu binh, Nhà văn Trương Nam Chi ủng hộ: 42 lá thư + phong bì, 01 cuốn nhật ký, 01 ví nam, 2 di ảnh và 2 tem thư. Đó là những di vật của Liệt sĩ Trịnh Ngọc Khiết, sinh 1945, hi sinh 1973 tại miền Tây (do bà Vũ Thị Sử, nguyên là công nhân nhà máy Dệt kim Đông xuân Hà Nội, nhờ gửi cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”). Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Kim Loan, đến từ Tiền Giang: Ủng hộ cuốn sổ tay Nhật ký chiến trường mang tên “Bước đường cách mạng” viết trong giai đoạn 1968 – 1972, tại chiến trường miền Tay Nam bộ, của CCB Phạm Đình Trưởng, hiện trú tại thị trấn Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Cũng trong sự kiện này, thông qua Ban Tổ chức, Văn phòng Cơ quan Đại diện phía Nam Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng 1 công trình sửa chữa nhà Nghĩa tình Đồng đội tại Bình Thạnh và tặng 2 xe lăn cho thương binh chiến trường Campuchia hiện đang bán vé số mưu sinh; Tạp chí Người Cao tuổi tặng 1 nhà Nghĩa tình đồng đội tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Nhà Hoạt Động Xã Hội Nguyễn Thị Kim Loan tặng 1 công trình nhà Nghĩa tình đồng đội tại TP.HCM; mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng Dự án trao tặng chuỗi “Tủ sách Đặng Thuỳ Trâm”, Ban Tổ chức đã trao tặng tượng trưng 02 Tủ sách, mỗi Tủ trị giá 150 triệu đồng, cho Trường nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần TP. Thủ Đức và Trường THPT Lý Thường Kiệt TP.HCM.
Chủ tịch CLB “Trái tim người lính miền Tây” Nguyễn Công Trung đã xúc động tâm sự: “Để có được cuộc sống trong hoà bình và hạnh phúc hôm nay, Việt Nam chúng ta đã phải trải qua nhiều những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đó là những trang sử hào hùng dân tộc ta, được viết bởi xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Không chỉ các anh hùng, liệt sĩ mặc áo lính mà nhiều người dân đã ngã xuống, để bảo vệ quê hương đất nước. Vùng đất miền Tây Nam Bộ đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt trong kháng chiến và công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới - biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, đặc biệt là những người lính đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước. Chúng tôi phấn đấu trong 2 năm tới sẽ tổ chức những đoàn CCB và Văn nghệ sĩ đi thăm lại chiến trường xưa tại Biên giới Tây Nam; mang tinh thần “Trái tim người lính” đến với Trường Sa; phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ tiếp tục khai thác Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam”...
Ban Tổ chức sự kiện đã gửi lời cảm ơn Trung tướng Lưu Phước Lượng (nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9); cảm ơn cựu Biệt động 67B, TS. Lê Hồng Liêm (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trưởng Ban liên lạc Cán bộ Đoàn các tỉnh phía Nam); cảm ơn Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát (nguyên Chính uỷ Vùng 5 Hải quân); Nhạc sĩ, TS. Trần Tấn Ngô (Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia); Cựu Thanh niên xung phong Đặng Hồng (Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hồ Chí Minh)… đã đồng hành và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, trước khi “Trái tim người lính miền Tây” chính thức ra mắt.
Hồng Thái