Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, trong đó lĩnh vực đánh bắt thủy sản, rộng ra là nghề cá. Gần 20 năm qua (1994-2023), Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982).

Về nghề cá, trên cơ sở UNCLOS, Liên Hợp quốc và Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) đã xây dựng và cụ thể hóa các nguyên tắc quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm với các công cụ pháp lý ràng buộc và tự nguyện gồm; trong đó có Kế hoạch hành động quốc tế ngăn chặn, giảm thiểu và loại trừ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IPOA-IUU) năm 2001; Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng trong việc ngăn ngừa, chấm dứt và loại bỏ IUU năm 2009 và nhiều hướng dẫn quan trọng khác của FAO nhằm xây dựng nghề cá quốc tế bền vững, có trách nhiệm, góp phần hạn chế, ngăn ngừa và loại bỏ IUU.

Chúng ta phải thực hiện cam kết này, nhất là Việt Nam là quốc gia biển. Chúng ta thật may mắn khi có bờ biển dài trên 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Biển Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường (ONMT) biển...; ngay cả nguồn lợi thủy sản, dầu khí... trên biển, dưới lòng biển cũng không phải “vô tận”. Khai thác kinh tế biển, không chỉ vì hôm nay, mà còn phải biết để dành, tái tạo cho muôn đời con cháu mai sau. Bảo vệ môi trường biển, vì thế không chỉ bảo vệ nguồn lợi, mà rộng lớn hơn là bảo vệ không gian sống.

Chính vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3-4-2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, ONMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chiến lược), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tại chiến lược này, Chính phủ đề ra nhiều mục tiêu đến năm 2030, trong đó có nội dung quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo...Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Đối với quốc tế, chúng ta phải thực hiện cam kết quố tế về chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến Việt Nam nhiều lần làm việc với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này. Họ ghi nhận, Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát.

Đáng tiếc, trong khi Chính phủ nỗ lực, các tỉnh, thành phố có ngư dân khai thác thủy sản xa bờ ráo riết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; nhiều lực lượng chức năng như Cảnh sát Biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam, Biên phòng Việt Nam cũng tích cực tham gia ngăn chặn tình trạng một số vụ việc đối tượng xấu môi giới tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Đơn cử vụ việc gần đây, ngày 9-5 theo Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng vừa phá thành công Chuyên án VBT6 đấu tranh với đường dây, đối tượng tổ chức môi giới cho tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Vào hồi 21 giờ ngày 24-4, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Du Soh Abu Dul Ra Zak (tên gọi khác là Minh), sinh năm 1986, trú tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, về hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu: Tháng 7-2022, Du Soh Abu Dul Ra Zak đã câu kết với một đối tượng quốc tịch Malaysia để môi giới tổ chức cho 2 tàu cá ở tỉnh Quảng Ngãi, do ông Phạm Nhành và ông Ngô Văn Năm, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, sang vùng biển Malaysia để khai thác hải sản trái phép với số tiền 58 triệu đồng/chuyến. Không chỉ vi phạm luật pháp về IUU mà đây còn là một “đường dây” lừa đảo ngư dân.

Chuyên án này nhằm thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) và Kế hoạch số 127/KH-CQTT của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Kế hoạch số 277/KH-BĐBP của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chống khai thác IUU năm 2023. Hiện vụ án đang được các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng Ngành Thuỷ sản Việt Nam, xây dựng Nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm phù hợp với pháp luật quốc tế là vấn đề lớn, đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều giải pháp. Chống khai thác IUU là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực, lộ trình và thời gian để đạt được mục tiêu chấm dứt và loại bỏ tình trạng khai thác IUU một cách bền vững. Trong lộ trình đó, phải đấu tranh chống các hành vi vi phạm luật pháp, lừa đảo, đưa ngư dân ra vùng biển quốc tế, khai thác trái phép hải sản.

Ngô Đức Hành