PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam trình bày về các kỹ năng viết tin, bài

Sáng ngày 25-4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Tham dự Hội nghị có ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tá Phạm Ngọc Khoái - Cục chính trị Bộ đội Biên phòng; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Sở Thông tin truyền thông các tỉnh phía Bắc; các phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…

Tại hội nghị, các diễn giả đã giới thiệu chính sách pháp luật của Việt Nam về phân giới cắm mốc, phát triển biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Thượng tá Phạm Ngọc Khoái - Cục chính trị Bộ đội Biên phòng đã có bài trình bày về “Tình hình biên giới và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay”, cho thấy: Hiện nay, khu vực biên giới nước ta gồm 1.083 xã, phường, thị trấn, thuộc 233 quận, huyện, thị xã của 44 tỉnh, thành phố; với khoảng 2,4 triệu hộ/9,7 triệu khẩu; 51 thành phần dân tộc sinh sống và 6 tôn giáo lớn (Đạo Phật, Đạo Công giáo, Tin lành, Đạo Hồi, Phật giáo Hòa hảo, Đạo Cao đài).

Vùng biển nước ta rộng khoảng trên 1 triệu km2, có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ rải rác ven bờ với diện tích khoảng 1.636km2 (trong đó bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Tiếp giáp biển với 7 nước: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunây, Thái Lan, Campuchia. Biên giới quốc gia trên đất liền nước ta dài khoảng 5.044,806 km, trong đó: Biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km (có 383,914 km trên sông suối); Biên giới Việt Nam - Lào dài 2.337,459 km (có 310,792 km trên sông suối); Biên giới Việt Nam - Campuchia dài 1.257,781 km (trong đó đã phân giới được 1.044,985 km, còn khoảng 212,796 km chưa phân giới)

Toàn tuyến biên giới hiện đã được hoạch định xong và cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, nhưng bên cạnh đó tình hình biên giới hiện cũng nổi lên một số vấn đề như: Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; kích động, lôi kéo người Mông thành lập “Quân đội và Nhà nước Mông”... Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp trên các tuyến biên giới… Để quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới hiện nay, một số bài học kinh nghiệm được diễn giả đưa ra, đó là: Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả chủ trương, đường lối cùa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước các văn kiện pháp lý và các thỏa thuận liên quan về biên giới.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình biên giới từ sớm, từ xa; chủ động báo cáo, tham mưu đề xuất và triển khai các biện pháp bảo vệ biên giới linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới.

Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng duy trì thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thường xuyên phối hợp, duy trì trao đổi thông tin, tình hình, phối hợp với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới phía đối diện tuần tra song phương, giải quyết kịp thời các vụ việc, sự kiện xảy ra trên biên giới.

Thượng tá Phạm Ngọc Khoái cũng nêu những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới thời gian tới, đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 cùa Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu, đề xuất chính quyền, địa phương về chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, nhất là địa bàn trọng điểm, không để bị động, bất ngờ.

Xây dựng các Đề án đảm bảo về quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại nhằm giành thế chủ động, giữ ổn định mọi mặt của đất nước. Tăng cường sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và các đảo. Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu.

Trình bày về kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác thông tin đối ngoại, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đã giới thiệu đến các cán bộ làm công tác truyền thông những nội dung chính gồm: Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ biên giới; Quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam ra thế giới; Truyền thông phát triển kinh tế biển đảo và kinh tế khu vực biên giới; Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, các phần tử chống phá; Bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất nước; Đem thông tin thế giới đến với nhân dân trong nước. Bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, báo chí cần chỉ rõ đúng sai, thật giả và động cơ của đối tượng, cần thuyết phục công chúng "phò chính, trừ tà"; khơi dậy truyền thống yêu nước, tiếp cận ở góc độ lợi ích và văn hóa, đạo đức.

Chiều cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, hải đảo.

Võ Hóa