Mỗi lần gặp hoặc đến chơi nhà anh, chúng tôi thường chào anh là nhà thơ chiến sĩ. Anh vồn vả bắt tay rồi khiêm tốn từ chối, mình đâu phải nhà thơ chỉ là người lính già đang bập bỏm làm thơ.

Anh là CCB Nguyễn Quốc Các, quê ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên ở vùng quê nghèo sơn cước, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc, anh tham gia quân đội. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 3-1966, anh được điều về đơn vị pháo cao xạ thuộc Tiểu đoàn 214, làm nhiệm vụ bảo vệ huyết mạch đường Trường Sơn. Đơn vị anh rải dọc trên cung  đường 12, chốt ở các trọng điểm: Khe Ve, La Trọng, I Kleng, Bãi Dinh, Cha Lo, Lằng Khằng, Cổng Trời. Về sau còn cơ động đảm nhiệm cả các trọng điểm đầy nguy hiểm như: Phà Xuân Sơn, Long Đại trên đường 20 Quyết Thắng. Những năm tháng sống chiến đấu gian khổ ở đại ngàn Trường Sơn, đơn vị anh đã có biết bao lần bị địch đánh trúng vào trận địa, thám báo địch bủa vây, biết bao đồng đội đã ngã xuống bên mâm pháo, nhưng tất cả các pháo thủ cao xạ đều khắc ghi lời hô của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”,  lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi hơn 200 máy bay địch, hợp đồng tác chiến với các binh chủng của Bộ Tư lệnh 559 để viết nên huyền thoại đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh bất tử.

Đất nước khải hoàn, anh được chuyển về Ban Tuyên huấn của Đoàn pháo cao xạ Sông Gianh. Năm 1991, anh nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá -  Phó ban Tuyên huấn. Ngày trở về gác chiếc ba lô và bộ quần áo khét mùi bom đạn của đời lính vào tủ, anh tham gia ngay vào hoạt động Ban cán sự khối phố, MTTQ, Hội CCB phường; Hội Trường Sơn; Hội khuyến học; Hội Người cao tuổi địa phương… Mấy năm nay tuổi tác cao, sức khỏe yếu, anh bắt tay vào làm thơ. Anh viết nhiều, đi đến đâu, làm việc gì, anh đều có thơ. Hạnh phúc cho anh khi làm thơ lại có người vợ hiền, thủy chung, thơm thảo Trần Thị Hạnh - chị là một cô giáo dạy văn giỏi của Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng, T.P Vinh giúp anh chỉnh sửa một số câu, từ. Như anh đã nói, mục đích cầm bút làm thơ của anh là để trải lòng người lính và bước tiếp khúc quân hành khi tuổi đã cao niên.

Thơ bớt đi những suy nghĩ ưu phiền

Cho ta có cuộc sống vui sống khỏe

Thơ tuổi già nhưng tràn đầy sức trẻ

Bởi tư duy vốn sống lắm đầy vơi.

Trở về với đời thường, thanh bình hôm nay, nhưng anh vẫn nhớ như in từng trận đánh, những trọng điểm, những đồng đội  đã cùng anh ngồi trên mâm pháo mặt đối mặt với quân thù để bảo vệ từng cung đường, từng đoàn xe đi qua:

Khe ve, La Trọng, Cổng Trời

Đường đèo dốc núi bom rơi đêm ngày

Dưới xe chạy, trên máy bay

Địch ta tranh chấp gắt gay cung đường.  

Thơ Nguyễn Quốc Các viết nhiều về người lính. Người lính anh hùng trong trận mạc, biết hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc. Dẫu đất nước đã thanh bình bao năm rồi nhưng mỗi khi gặp lại nhau mỗi người vẫn nhận ra cái “chất thép” trong ánh mắt nụ cười của nhau:    

Những người lính gặp lại nhau

Đôi bàn tay xiết chặt

Nhận ra nhau qua ánh mắt nụ cười.

Anh nhớ tên từng đồng đội, từng chiến chiến sĩ trẻ đã dũng cảm hy sinh trên các trọng điểm ác liệt, các ngọn đồi, các bìa rừng giữa đại ngàn Trường Sơn sâu thẳm. Ngày chiến thắng trở về, có dịp trở lại chiến trường xưa, anh thắp hương trên hàng hàng bia mộ mà long quặn thắt, trái tim đau nhói:

Lòng ta chất chứa nỗi đau

Nén hương thơm cháy nhói vào trong tim.  

Anh làm thơ tự hào về người lính, kể về người lính, khắc họa chân dung của từng chiến sĩ năm tháng ở chiến trường. Bom đạn, mưa ngàn, nằm hầm, lũ suối vẫn nhường nhau tăng võng đêm mưa. Nhưng cái chính trong thơ anh muốn nhắc người lính - người CCB hôm nay và mãi mãi về sau  tiếp tục  sống đúng chất lính, giữ vững tính tiên phong và kỷ cương của người lính.

Bản lĩnh người lính nhắc ta

Khó mấy cũng phải tìm ra con đường.

Anh vẫn làm một nhà tuyên huấn để động viên người lính. Dẫu cây súng đã rời vai, về với dân, sống với dân, người lính có quyền tự hào nhưng phải giữ vững ý chí chiến đấu không được công thần, đòi hỏi, không tự đánh rơi mình; biết sát cánh bên nhau góp sức với Hội CCB, cùng với phường, với khối, với xóm làng tiến hành công cuộc xóa đói giảm nghèo, chăm lo cuộc sống gia đình hạnh phúc. Trong bài thơ “Ta vẫn sống bên nhau”, anh viết:

Bây giờ làng xóm sống chung

Vui sinh hoạt Hội ta cùng bên nhau

Chăm lo cuộc sống làm giàu

Gia đình hạnh phúc dạt dào tình thân.

Đến nay anh Nguyễn Quốc Các đã 78 tuổi, hội viên CCB khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc, T.P Vinh vẫn sống mẫu mực, giản dị thủy chung. Hằng ngày trong căn nhà giản dị đơn sơ của vợ chồng anh vẫn tràn ngập tiếng cười, tiếng nói của đồng đội, bạn bè. Đặc biệt những ngày kỷ niệm lớn, những ngày hội của non sông đất nước, các CCB tụ họp bên ấm chè xanh của vợ chồng anh, nhắc nhau về một thời đạn lửa, bình một đoạn thơ viết về người lính, bàn về trách nhiệm người lính trước công cuộc đổi thay của đất nước. Những hôm như vậy chẳng phải chỉ có lính không thôi, có cả trẻ già, trai gái, các hội viên thơ ca trong khối. Sống trong những giờ phút ấy giọng nói của anh vẫn cất lên trầm ấm, ánh mắt tỏa sáng, nụ cười rạng rỡ, như trẻ lại của thời ra trận. Anh tiếp lửa cho thế hệ hôm nay và thế hệ tương lai bước tiếp khúc quân hành, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh tươi đẹp. Thơ anh vẫn vang lên:

Biết bao giờ kể hết chuyện ngày xưa

Chuyện hôm qua và kể cả chuyện bây giờ

Sản xuất kinh doanh xóa nghèo giảm đói

Sống chăm lo cho con em tiến tới

Tiếp nối cha anh xây đẹp nước non nhà.

Chúng tôi biết trong tủ sách của anh nay đã có đến hàng trăm bài thơ viết về Hội CCB, về người lính. Mỗi năm anh chọn lọc những bài thơ vừa sáng tác, tự bỏ tiền túi cho ra đời 2 tập thơ nhỏ, in hàng trăm bản để chia sẻ với đồng đội, với mọi người. Một bạn thơ trong Hội CCB đã nhận xét: “Đọc thơ anh Nguyễn Quốc Các  không có cái mơ màng của “trăng và gió”, nhưng có cái hào sảng của người lính, có cái oai hùng của đoàn quân ra trận, có chất keo dính chặt tình đồng đội, có sức truyền lửa cho thế hệ mai sau. Bởi ở anh là một nhà tuyên huấn, sĩ quan QĐND Việt Nam đã kinh qua trận mạc và trưởng thành từ trận mạc”.

Anh không nhận mình là nhà thơ viết về lính, nhưng tự nhận: Bây giờ và mãi mãi về sau anh vẫn là CCB Cụ Hồ:

Tóc đã bạc, da đã nhăn rồi

Chỉ có tâm hồn là trẻ mãi thôi

Vẫn cứ mày tao như thời làm lính

Bộ đội Cụ Hồ giờ là cựu chiến binh.

Xuân Bách