Báo tháng 4 - Từ lâu tôi đã nghe tiếng tăm đánh Mỹ ở chiến trường B của Ngô Doãn Khuê - Khuê ở thôn Cổ Bản, quê ngoại tôi, nay là phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Nhưng phải đến tận hôm nay tôi mới có cơ hội ngồi trò chuyện cùng Khuê.

Biết tôi có ý muốn nghe chuyện một thời đánh giặc của ông - người CCB già, chuẩn bị bước vào tuổi 78, đưa tôi tập hồi ký ông viết năm 2008. Gọi là “tập” nhưng chỉ vẻn vẹn có 6 trang rưỡi giấy A3 phô tô, trong đó phần “râu ria” đã chiếm mất một trang.

Hồi ký ghi lại 6 trận Khuê trực tiếp tham gia, thì 5 trận được khen thưởng (3 Huân chương Chiến công Giải phóng, 2 Bằng khen). Với tài “đánh đâu trúng đấy” mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 205 truyền nhau câu nói “Thương lính như Xù, đánh giặc như Khuê” (Nguyễn Văn Xù, Dân tộc Tày, quê ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, Chính trị viên Đại đội 8, thường giúp đỡ chiến sĩ những khi vất vả, yếu mệt).

Đúng là “danh bất hư truyền”. Nhận thấy lời kể trong tập hồi ký cũng như con người của Khuê đều toát lên đức chân thực. Lại có xác nhận của bạn chiến đấu Nguyễn Bùi Nghiêm - Chủ tịch Hội CCB phường Đồng Mai (năm 2008); đặc biệt là của Đại tá Nguyễn Văn Tiến - nguyên Chính ủy Trung đoàn 205 (cả hai ý kiến xác nhận đều có dấu của UBND phường nơi cư trú). Tôi lại còn tận mắt chứng kiến 3 tấm Bằng Huân chương Chiến công Giải phóng, Khuê được tặng thưởng treo trên tường, nên tôi quyết tâm lăn lộn, năm lần bảy lượt đạp xe đến nhà Khuê hỏi han cặn kẽ, tỷ mỷ để viết lại mấy trận đánh sau đây:

30 phút bắt sống 24 xe tăng địch

Thiết đoàn 9, Sư đoàn 21 ngụy hành quân từ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Long về thị xã Bình Long để giải vây cho Sư đoàn 5 ngụy đang bị bộ đội Giải phóng vây hãm.

Ngày 22-5-1972, khi thiết đoàn vừa đến Đức Vinh, Sa Trạch (quốc lộ 13) cách thị xã Bình Long gần chục km, thì bị Trung đoàn 205 (trực thuộc BTL Miền) vây bọc. Trung đoàn đã dùng pháo lấy được của địch bắn vào đội hình thiết đoàn. Tên chiến đoàn trưởng bị thương. Nó dùng 25 chiếc xe tăng hộ tống chạy về Chơn Thành.

Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 lệnh cho Đại đội 8 tổ chức trận đánh phục kích vận động tại điểm trên. Lúc này Đại đội trưởng đi viện, giao cho Ngô Doãn Khuê là Đại đội phó chỉ huy trận đánh. Đại đội điều 2 trung đội do Khuê chỉ huy, phục kích trên quốc lộ 13, đón lõng Chiến đoàn 9 tháo chạy.

Doãn Như Khuê lệnh cho Nguyễn Văn Túy - Trung đội phó dùng súng B40 bắn chiếc xe tăng đi đầu. Đường 13 hẹp, hai bên lại có bom, nên khi chiếc tăng đầu trúng đạn, bốc cháy thì những chiếc sau khựng lại, trong thế “tiến thoái lưỡng nam”. Thế là đại đội xung phong, bắt sống 24 xe tăng khác. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Bọn địch, số chạy thoát, số ra khỏi xe đầu hàng... Có xe vẫn còn đang nổ máy, trong khi quân ta không ai thương vong.

Trong trận này, đơn vị được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng (Khuê hạng Hai, Túy - Trung đội phó hạng Ba). Sau đó, Khuê được trên điều về làm Chính trị viên Đại đội 6 Anh hùng.

2 ngày, 7 cán bộ, chiến sĩ tiêu diệt 80 tên và 6 lô cốt địch

Trận này Khuê với cương vị là Chính trị viên Đại đội 6. Đơn vị có 2 nhiệm vụ: Vây ép đồn lính Bảo An và chốt chặn ấp Cầu Định . Khuê trực tiếp chỉ huy hướng vây ép đồn lính Bảo An. Ban chỉ huy Đại đội 6 phân công Khuê đi với Trung đội 1 và trực tiếp chỉ huy trận đánh. Đại đội trưởng Vinh, Chính trị viên phó Quang đi với Trung đội 2

Đồn Bảo An nằm bên phải đường, hướng ấp Cầu Định đi Thủ Dầu Một. Mục đích ta vây ép đồn Bảo An là phá lô cốt địch, hỗ trợ cho Đại đội 7, 8 và Trung đội 2 của Đại đội 6 giữ ấp Cầu Định.

Lực lượng vây ép, danh nghĩa là một trung đội, nhưng chỉ có 7 người gồm: Trung đội trưởng, Trung đội phó, Tiểu đội trưởng và 3 chiến sĩ với Khuê. Vũ khí có 1 khẩu B40, 1 khẩu B41 và 5 khẩu AK bắn tỉa. Với phương châm: “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, làm cho địch bị cô lập, bị động hoàn toàn.

Địch nhất cử, nhất động, từ lô cốt nọ sang lô cốt kia, kể cả tắm giặt, vệ sinh cá nhân tất thảy đều bị lọt vào vòng ngắm của các tay súng bắn tỉa của ta, nên có tới 30 tên bị tiêu diệt bởi súng AK, 6 lô cốt bị bắn cháy trong 2 ngày 24 và 25-10-1972....

Bị thua đau địch điều một tiểu đoàn lộ trình, chia là hai mũi đánh lại ta và dành tới 2 đại đội để phản kích bộ phận vây ép đồn Bảo An. Lực lượng địch đông áp đảo , nhưng vì đồn Bảo An ở nơi cánh đồng trống, lại có công sự vững chắc. Khuê để cho địch tiến đến ở cự ly 30m mới cho nổ súng. Vì nếu đánh địch ở cự ly xa dễ bị phân tuyến, địch gọi pháo ngay. Mặt khác, khi địch xung phong chúng cụm lại đông, ta mới dùng hỏa lực B40, B41 để diệt được nhiều. Tổng cộng lần phản kích 1 của địch ta diệt được 33 tên.

Lần 2 chúng tổ chức xung phong vào hồi 17h30. Vẫn áp dụng chiến thuật đánh địch ở cự ly gần như lần trước. Khi chúng lấy số đông xông lên đã bị ta bắn bằng 2 quả B$) và B41, tiêu diệt tại chỗ 17 tên . Đến 17h45 địch rút lui vì chúng không dám đánh đêm. Và tối hôm đó ta cũng được lệnh rút quân.

Kết quả: Trong 2 ngày 24 và 25-10-1972 với 6 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 6 và Trung đội 1 do Khuê chỉ huy đã diệt được 6 lô cốt địch, vừa bắn tỉa vây ép, vừa đánh địch phản kích tiêu diệt được 80 tên. Về phía ta hy sinh mất 2 đồng chí (Trung đội phó Nguyễn Công Chứ và chiến sĩ Ân). Trong trận này Khuê được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3 và được điều động về làm Chính trị viên Đại đội 8.

Nguyễn Văn Cự