Với nhận thức tham nhũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng và đề ra rất nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này. Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành và nhiều lần được sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện; chiến dịch chống tham nhũng được triển khai rất kiên quyết và với phương châm là không có vùng cấm, không có việc “hạ cánh an toàn”… Mới đây, hàng loạt các quan chức cao cấp liên quan đến vụ “thổi giá” kít xét nghiệm Việt Á, vụ giải cứu công dân về nước tránh đại dịch Covid-19 bị xử lý rất nghiêm là những ví dụ cụ thể. Và kết quả đạt được là hoàn toàn không nhỏ. Tuy nhiên, để đạt được những chuyển biến cơ bản hơn, có lẽ, cần phải phòng chống tham nhũng bằng cải cách thể chế.
Và ưu tiên phải là cải cách thể chế trong lĩnh vực đất đai, đặc biết khi Luật Đất đai đang được xem xét để sửa đổi trong năm nay.
Thể chế về đất đai là những quy phạm và chế định của pháp luật về đất đai và việc thực thi chúng trong cuộc sống.
Chế định quan trọng nhất ở đây là: đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Xét về mục đích, đây là một chế định hết sức tốt đẹp. Có gì có thể tốt đẹp hơn khi mỗi người Việt chúng ta đều là chủ sở của tất cả đất đai, sông, biển?! Tuy nhiên, làm thế nào hiện thực hóa được sự tốt đẹp này trong cuộc sống? Đây quả là câu hỏi rất khó trả lời. Về mặt lý thuyết, chỉ thể nhân và pháp nhân (một cá nhân hoặc một tổ chức) mới thực thi được các quyền của chủ sở hữu. Toàn dân không phải là thể nhân, cũng không phải là pháp nhân nên chẳng có cách gì để thực thi các quyền của chủ sở hữu cả. Các quyền chủ sở hữu vì vậy phải giao lại cho Nhà nước. Thế nhưng, Nhà nước lại được cấu thành từ nhiều pháp nhân và cũng không thể trực tiếp thực thi quyền chủ sở hữu đối với đất đai. Chính vì vậy, Nhà nước đến lượt mình lại phải giao quyền chủ sở hữu đối với đất đai cho một số quan chức trong các cấp hành chính. Vì vậy, nói đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, nhưng trên thực tế những người có quyền thực thi các quyền của chủ sở hữu chỉ là một nhóm rất nhỏ bé. Nhóm nhỏ bé các quan chức này được quy định rất rõ trong Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Cải cách thể chế quan trọng nhất ở đây là phải hình thành cơ chế giám sát thiết thực và hữu hiệu tài sản của các quan chức này. Đã làm quan chức nắm giữ quyền sở hữu đối với đất đai thì phải chấp nhận sự giám sát chặt chẽ không chỉ của các cơ quan nội chính, mà còn của các tổ chức xã hội và công chúng.
Ngoài ra, có ba quyền năng được Nhà nước ủy quyền cho một số quan chức thực hiện và rất dễ bị lạm dụng. Đó là quyền thu hồi đất, quyền cho phép chuyển đổi và quyền xác định giá đất. Đây là những quyền năng rất dễ bị thao túng. Lạm dụng ba quyền năng nói trên để hưởng lợi chính là hình thức tham nhũng phổ biến nhất hiện nay và cũng gây ra bất bình lớn nhất hiện nay.
Trước hết về quyền thu hồi đất. Trong khi quyền thu hồi đất được thực thi vì lợi ích công ít gây ra bất bình, thì quyền thu hồi đất được thực thi vì “các dự án phát triển kinh tế” đặc biệt là các dự án xây dựng khu đô thị thật sự là một vấn đề rất lớn. Các dự án này tạo ra những chênh lệch địa tô rất lớn, nhưng lại được phân chia ít khi công bằng. Cải cách thể chế quan trọng nhất ở đây là phải hạn chế tối đa quyền thu hồi đất vì mục đích kinh tế. Thay thế vào đó cần bảo đảm quyền tài sản của người dân để đất đai được chuyển nhượng tự do vì mục đích kinh tế. Để tạo khuyến kích cho việc chuyển nhượng thì Nhà nước cần nghiên cứu để đánh thuế với tất cả các loại đất.
Thứ hai là quyền cho phép chuyển đổi. Quyền cho phép chuyển đổi thực chất là một thứ quyền hô “biến”. Đất nông nghiệp với giá thấp có thể được biến thành đất đô thị với giá rất cao chỉ nhờ một quyết định hành chính. Điều này khuyến khích mãnh liệt các doanh nghiệp, các chủ đầu tư tìm đủ mọi cách để được hưởng chênh lệch địa tô ở đây. Và tham nhũng cũng xảy ra tràn lan ở đây. Thực ra, đất đai chỉ có thể được chuyển đổi theo sự phát triển tự nhiên của kinh tế và xã hội. Mọi quy hoạch không đi theo sự phát triển tự nhiên này chỉ có thể gây ra vô tận những lãng phí. Đó là chưa nói tới việc làm như vậy sẽ tạo ra miếng đất hết sức màu mỡ cho tham nhũng chính sách. Cải cách thể chế quan trọng nhất ở đây là việc quy hoạch phải được thực hiện trên cơ sở sự phát triển tự nhiên của kinh tế - xã hội. Kiên quyết không để lợi ích nhóm tác động lên quy hoạch. Quy hoạch thế nào thì đất sẽ được chuyển đổi như thế ấy. Chấm dứt chuyện mua gom đất, làm dự án rồi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thứ ba là quyền xác định giá đất. Quyền xác định giá đất có lẽ là thứ quyền đang gây ra nhiều khiếu nại, tố cáo nhất. Việc xác định giá đất hiện nay chủ yếu căn cứ vào loại đất (đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp, đất rừng) như hiện nay đang gây ra những bất công rất lớn đối với những người nông dân và đang làm cho toàn bộ chênh lệch địa tô rơi vào túi một vài doanh nghiệp bất động sản và có thể một vài quan chức có liên quan. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã hiểu “Thứ nhất cận thị, thứ nhị cận giang”. Giá đất do vị trí đất xác lập. Đất ở phố Hàng Đào, Hà Nội đắt chủ yếu vì nó nằm ở trong phố cổ.
Một số doanh nghiệp có thể sẽ phản biện lại rằng đất lên giá là nhờ do họ đầu tư làm cơ sở hạ tầng nên giá đất mới lên. Cơ sở hạ tầng quả thực có thể làm cho giá đất tăng lên. Thế nhưng, không có vị trí thuận lợi, đắc địa của đất, giá đất không thể lên đến hàng chục, hàng trăm lần. Chúng ta không phản đối các doanh nghiệp làm giàu từ đất đai, nhưng hãy bảo đảm quyền thương lượng, quyền mặc cả cho những người nông dân bị thu hồi đất. Giá thị trường bao giờ cũng chỉ là giá thuận mua, vừa bán mà thôi! Không bảo đảm quyền mặc cả của những người nông dân sẽ không bao giờ có giá thị trường.
Cuối cùng, một số người sẽ cho rằng nếu Nhà nước không có quyền thu hồi đất cho các dự án động lực, thì kinh tế sẽ không thể phát triển nhanh chóng được. Nông dân mà cứ khư khư giữ đất thì mọi dự án đều sẽ thất bại.
Mới nghe, ý kiến này có vẻ không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, con người ta ai cũng hành xử hợp lý (đây là tiền đề quan trọng nhất của kinh tế học, luật học và nhiều chuyên ngành khoa học xã hội khác). Không ai đầu óc bình thường có lợi hơn mà lại không làm. Các doanh nghiệp chỉ mua lại quyền sử dụng đất của nông dân khi và chỉ khi điều đó mang lại lợi ích lớn hơn cho họ. Người nông dân chỉ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình khi và chỉ khi điều đó cũng mang lại lợi ích lớn hơn cho họ. Sau mỗi lần giao dịch thì cả hai bên cùng có lợi chính là bí quyết thần kỳ của quyền tự do tài sản đưa lại công lý và sự thịnh vượng. Quyền tự do tài sản, chứ không phải là sự sáng suốt nhất thời của bất kỳ một quan chức nào đó là tiền đề quan trọng nhất để chúng ta có được sự công bằng, thịnh vượng và giàu có bền lâu. Và bảo đảm quyền tự do tài sản về đất đai cũng là cải cách thể chế quan trọng hàng đầu để chống tham nhũng. Ngoài ra, để đất đai có thể chuyển nhượng dễ dàng thì thuế đất là rất quan trọng. Đánh thuế đất có thể ảnh hưởng đến chính sách xã hội của chúng ta đối với nông dân và những người nghèo, vì vậy mức thuế có thể phải rất thấp. Thuế cần ở mức tạo ra khuyến khích chuyển nhượng khi người dân không có nhu cầu sử dụng, nhưng không tạo ra gánh nặng cho họ.
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy cải cách thể chế về đất đại là quan trọng nhất để chống tham nhũng trong lĩnh vực này. Hy vọng, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai lần này, chúng sẽ được thúc đẩy. Những gì đúng cho đất đai thì cũng đúng cho những lịch vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng