Đoàn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị

     Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị  ( 1972 – 2022 ), Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị ( CSTC ) tiêu biểu của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đoàn vào thăm lại chiến trường xưa.

     Đoàn gồm 16 đồng chí là những CSTC tiêu biểu của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều đồng chí đã có thời gian trực tiếp chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tham gia chiến đấu và bảo vệ Thành cổ; trong đó có 13 đồng chí là thương bệnh binh, chất độc da cam. Sau khi rời quân ngũ về địa phương , CCB thành cổ huyện Can Lộc luôn phát huy tốt phẩm chất truyền thống của Anh “ Bộ đội Cụ Hồ “, tham gia hoạt động trong các tổ chức Hội CCB, Hội Người Cao tuổi; luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các các phong trào thi đua ” CCB gương mẫu “, “ chung tay xây dựng nông thôn mới “; các phong trào thi đua của địa phương.

Đoàn thăm địa đạo Vịnh Mốc ( Gio Linh, Quảng Trị )

    Trong 3 ngày từ 22-24/4 đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị; thăm Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Căn cứ Làng Vây, Tượng đài chiến thắng Khe Sanh…vv. Tại các di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, CCB đoàn CSTC huyện Can Lộc đã bày tỏ niềm tự hào về một thời hào hùng được tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9

Sau nửa thế kỷ được trở về thăm lại chiến trường xưa, nhiều đồng chí không dấu nổi xúc động. CCB Đặng Xuân Thụ, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Văn Tam, chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị chia sẽ: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào được cống hiến tuổi xuân cho đất nước, được trực tiếp chiến đấu tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, nơi chiến trường ác liệt nhất của Quân khu Trị Thiên hồi đó. Nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh nằm lại ở chiến trường, ở Thành cổ Quảng Trị. Hôm nay, chúng tôi vào đây để thắp nén hương tưởng nhớ các đồng chí, thật nghẹn ngào không nói nên lời; chúng tôi xin hứa trước vong linh hồn các đồng đội: nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh và công lao to lớn của các đồng chí, tiếp tục giáo dục truyền thống cho con cháu, cho thế hệ trẻ mãi mãi biết ơn và nhớ về một thời oanh liệt của các thế hệ cha, anh…

     CCB Tôn Đức Đạo, Chủ tịch Hội CSTC huyện Can Lộc, trưởng đoàn cho biết: Hội CSTC huyện Can Lộc được thành lập gần 10 năm nay gồm 54 đồng chí, phần lớn là thương bệnh binh, chất độc da cam; tuy còn mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng trong nhiều năm qua các CSTC huyện Can Lộc luôn thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ, người lính Thành cổ Quảng Trị. Nhiều đồng chí hăng hái xung phong đi đầu trong phong trào CCB gương mẫu, xây dựng nông thôn mới; phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt và hiệu quả các phong trào thi đua. Nhiều Cựu Chiến Binh CSTC đã xung phong hiến đất, hiến tường rào, đóng góp của cải, vật chất cho phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần vào thành tích của huyện Can Lộc đạt chuẩn NTM năm 2019.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên Cột cờ Hiền Lương.

     

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị.

 

Đoàn thăm Sân bay Tà Cơn

Trưởng đoàn Tôn Đức Đạo bày tỏ xúc động: Biết tin đoàn CSTC huyện Can Lộc trở về thăm lại chiến trường xưa; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Trị đã có sự hỗ trợ, động viên kịp thời để tạo điều kiện cho đoàn có chuyến đi mang nhiều ý nghĩa. Trước khi lên đường, đoàn CSTC Quảng trị huyện Can Lộc đã nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân trong huyện. Đồng chí Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can  Lộc trực tiếp gặp gỡ và động viên đoàn lên đường, đồng thời gửi gắm tình cảm và niềm tin đến các thành viên trong đoàn, mong đoàn có chuyến đi mang nhiều ý nghĩa; tự hào với truyền thống của quê hương Can Lộc anh hùng, tiếp tục giáo dục cho con cháu noi gương các thế hệ Cha, Anh; đóng góp chung tay xây dựng huyện Can Lộc phát triển ngày càng giàu mạnh…

                                                                          Lê Anh Thi