CCB Đoàn Văn Thê kể chuyện Tết ở chiến trường.

Đang ở tuổi 85, Thiếu tá Đoàn Thê càng thêm “nghiện” Báo CCB Việt Nam.

Năm nay, ông quyết viết cho Báo CCB Việt Nam số Tết “Nhâm Dần 2022” về một trong những cái Tết đáng nhớ từ cuộc đời quân ngũ của ông. Tác phẩm hoàn thành, ông gọi anh Khanh - cộng tác viên Báo CCB Việt Nam nghe, góp ý giúp trước khi ông gửi cho báo. Chuyện rằng:

“Hồi chống Mỹ, Trạm X, thuộc Quân khu miền Đông Nam Bộ, đứng tại Ngã ba Đông Dương để đón quân từ miền Bắc vào và đưa quân từ phía trong ra Bắc an dưỡng). Chiều 27 tháng Chạp 1972 (âm lịch), Thiếu tá Nguyễn Huyền - Trưởng trạm hỏi Trung úy trợ lý Hậu cần Đoàn Thê:

- 500 người từ miền Bắc sẽ tới trạm vào sáng ngày 30 Tết. Hôm sau, đi tiếp vào miền Đông. Đồng chí cho tôi biết phương án bảo đảm hậu cần?

- Tôi hứa với thủ trưởng! Sẽ bảo đảm để bộ đội “vui như Tết”. Sau 3 giờ nữa, chúng tôi báo cáo kế hoạch chi tiết!”…

Ngay sau đó, Đoàn Thê và hai chiến sĩ đến tỉnh lỵ tỉnh StungTreng (Campuchia) cách Trạm vài chục kilômét, gặp lãnh đạo Hội Việt kiều yêu nước và được Hội nhận giúp đỡ. Bà Thạc, ông Thiệt, ông Hòe - người Hải Dương là nòng cốt cung cấp hàng Tết cho Trạm với phương thức ký hợp đồng. Yêu cầu có thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, thuốc lá, chè hương, bánh kẹo; ngày 29 Tết tập kết đủ số lượng và giữ bí mật cho Trạm.

Đêm hôm ấy, nghe Đoàn Thê trình bày kế hoạch, Trạm trưởng khen: “Tốt!”. Đang vui, ông hỏi trêu: “Nhưng “đệ” lấy gì để chắc chắn thành công?”. Đoàn Thê cũng khẳng khái… vui, bắt chước tiền nhân: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Trạm trưởng cười khà khà…

Chiều 30, trong điều kiện an toàn cho phép, cỗ Tất niên đậm đà hương vị Tết. Liên hoan kết thúc bằng tiết mục đơn ca hát “chay” bài “Xuân Chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Binh nhất Nguyễn Văn Tốt, quê Vĩnh Phú ứng diễn: “Xuân Chiến khu, thắm đượm tình yêu của Trạm. Quyết lòng diệt tan kẻ thù, hẹn khi hòa bình thăm lại trạm ta”. Nhiều chiến sĩ lên “múa phụ họa”... Tất cả đã làm cho Trạm giao liên ẩn mình trong góc rừng Ngã ba Đông Dương vui như Tết”.

Xong chuyện của cụ Đoàn Thê, cộng tác viên Khanh reo lên: Cháu xin tiếp mạch cụ. Cháu có chuyện này ạ: “Dịp Tết Nguyên đán 1980, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) thuộc Mặt trận 479, làm nhiệm vụ phòng thủ tại khu vực cửa khẩu Poi Pét ở biên giới Campuchia - Thái Lan, trong điều kiện hậu cần tại chỗ "bằng 0” do thảm họa diệt chủng mà chính quyền Pôn Pốt gây ra.

Giáp Tết, Đại úy Chủ nhiệm Hậu cần Bảy Chinh băn khoăn về chút hương vị Tết cho bộ đội. Thiếu úy trợ lý Quân nhu Lê Văn Lai đề xuất: Nếu được thủ trưởng tạo điều kiện, tôi xin đảm bảo chắc chắn món bánh bích quy…

- Nhưng làm gì có bột nở mà bích quy?

- Báo cáo! Qua phối hợp công tác với bên quân y, tôi được biết, Trung đoàn có một cơ số thuốc Nabica (Natri Bicacbonat) chữa đau dạ dày. Nhưng chưa bao giờ phải dùng đến. Thuốc này thay bột nở làm bánh rất tốt. Ta có thể sử dụng một lượng mà vẫn bảo đảm công tác phòng và điều trị bệnh dạ dày tại đơn vị.

- Thế còn lò nướng?

- Thủ trưởng cho chúng tôi 2 cái thùng phuy loại 200 lít là xong ạ!

- Có ngay!

Ngay sau đó, được các cơ quan hỗ trợ nhân lực, anh Lai phân công trợ lý quân khí Hoàng Sơn Hà làm lò nướng. Đó là cái thùng phuy 200 lít nằm ngang được bọc kín bằng lớp đất dày 10cm, có cửa đóng - mở để đưa khay bánh qua. 1/3 thể tích của lòng phuy chứa cát sạch để giữ nhiệt và chống cháy. Trên đó là dàn khay bánh. Lò nằm dọc trên bệ gạch hình hộp chữ nhật. Lửa cháy rực dưới bụng lò làm chín bánh. Chiến sĩ Vũ Duy Thuấn (hiện là Nghệ nhân Ưu tú về kỹ thuật đúc đồng tại Hà Nam) làm khuôn bánh, khay bánh bằng sắt từ chiếc thùng phuy còn lại. Anh Lai hướng dẫn kỹ thuật, pha chế nguyên liệu và làm nhãn bánh bằng cách cắt các chữ ở cái máy đánh chữ trong đống phế liệu, thiết kế thành "con dấu" QNE4 (Quân nhu Trung đoàn 4) rồi đóng vào từng chiếc bánh trước khi đem nướng…

Ngày 30 Tết, bánh bích quy QNE4 đến với cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Sự kiện ấy đã được Thủ trưởng quân khu biểu dương”.

Bỗng anh Khanh nhắc:

- Cụ ơi, mình chỉ gửi bài cho Báo CCB Việt Nam thôi cụ nhé!”.

- Ô hay! Sao còn phải nhắc nhỉ! Báo Tết chỉ gửi một nơi mình tâm huyết cộng tác. Gửi nhiều nơi thì còn ra trò trống gì nữa…

Hai cộng tác viên mở rượu nhâm nhi. Ngoài vườn, cây mận đầy nụ căng tròn, chuẩn bị chào Xuân mới…

Bài và ảnh: Phạm Xưởng