Hiện nay, vẫn còn một số người có tâm sợ F0: Sợ tiếp xúc và sợ bị nhiễm. Thậm chí, không ít trường hợp kỳ thị, xa lánh khi người đối diện bị bệnh và cảm thấy hoang mang lo lắng khi nghi ngờ mình nhiễm Covid-19. Như vậy thật không nên chút nào.

Chúng ta đã trải qua mấy tháng giãn cách đầy khó nhọc và giờ thì đang sống trong bình thường mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tất nhiên dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát triệt để nhưng mọi người cần phải sinh hoạt, lao động. Việc chẳng may có ai đó bị nhiễm vi rút trong cộng đồng dân cư, cơ quan, công ty... thì cần phải bình tĩnh. Hay lỡ tiếp xúc với F0 cũng đừng quá hoang mang, lo lắng. Không nên làm cho cuộc sống rối ren hơn. Có trường hợp, hay tin bạn mình bị F0, mà mình lại tiếp xúc gần, thì quay sang đổ lỗi, cạch mặt... Lại có người mang tư duy "có ít xít ra nhiều", đi đồn thổi rằng F0 tràn lan khiến bà con hoang mang, lo sợ thêm. Một đồn mười, mười đồn trăm,... làm cho khu dân cư không nhiễm Covid-19 nhưng đã mắc thói "tam sao thất bản".

Vắc-xin ra đời là để cứu cánh cho nhân loại trong việc miễn dịch Covid-19, dù rằng tỉ lệ chưa phải là tuyệt đối. Và hầu như ai cũng đã được tiêm ngừa 2 mũi (Ngành Y tế đang lên kế hoạch tiêm vắc-xin mũi 3). Cũng vẫn có người dù đã tiêm ngừa nhưng lại nhiễm bệnh. Đừng quá lo lắng, khi chấp nhận sống chung với dịch thì lỡ nhiễm bệnh là bất khả kháng. Khi có các dấu hiệu ho, sốt, mất vị giác... thì nên xét nghiệm nhanh. Chẳng may nhiễm F0 liên hệ ngay với y tế địa phương để được điều trị tích cực, sớm sẽ khỏe lại thôi. Những trường hợp như cao tuổi, bệnh nền thì cần kỹ càng hơn và hạn chế tối đa việc ra ngoài. Còn lại thì sinh hoạt bình thường...

Thay gì có suy nghĩ tiêu cực thì nên đề ra các biện pháp phòng bệnh, ăn uống điều độ, khoa học, chăm thể dục để tăng sức đề kháng. Nên chia sẻ, cảm thông, an ủi người nhiễm Covid-19 để họ có nghị lực vượt qua căn bệnh này một cách dễ dàng.

Nguyễn Thanh Vũ